Bloomberg đưa tin, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) cảnh báo rằng việc tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường thường xuyên có thể ảnh hưởng xấu đến phản ứng miễn dịch và có thể không khả thi.
Theo Cơ quan Dược phẩm Châu Âu, các liều tăng cường lặp lại sau mỗi bốn tháng có thể làm suy yếu phản ứng miễn dịch và khiến cơ thể mệt mỏi. Thay vào đó, các quốc gia nên giãn thời gian hơn giữa các mũi tăng cường và tiêm vào thời điểm bắt đầu mùa lạnh ở mỗi bán cầu, theo kế hoạch chi tiết của các chiến lược tiêm chủng cúm.
Vaccine tăng cường “có thể được tiêm một hoặc hai lần, nhưng chúng tôi không nghĩ nên lặp lại liên tục” - ông Marco Cavaleri, người đứng đầu EMA về các mối đe dọa sức khỏe sinh học và chiến lược vaccine, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ 12.1. “Chúng ta cần suy nghĩ về cách thức có thể chuyển đổi từ bối cảnh đại dịch hiện tại sang bối cảnh bệnh đặc hữu hơn" - ông Cavaleri nói thêm.
Cơ quan quản lý EU cũng cho biết tại cuộc họp báo rằng thuốc kháng virus đường uống và tiêm tĩnh mạch, chẳng hạn như Paxlovid và Remdesivir, duy trì hiệu quả chống lại biến thể Omicron. Theo EMA, tháng 4 là thời điểm sớm nhất có thể phê duyệt một loại vaccine mới nhắm vào một biến thể cụ thể, vì quá trình này mất khoảng ba đến bốn tháng. Một số nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới cho biết đang xem xét sản xuất vaccine đặc hiệu nhắm mục tiêu vào các biến thể mới.
Khuyến cáo của EMA được đưa ra khi một số quốc gia đang xem xét khả năng tiêm vaccine COVID-19 liều thứ 4 cho người dân trong nỗ lực cung cấp khả năng bảo vệ hơn nữa chống lại biến thể Omicron.
Đan Mạch sẽ sớm tiến hành đợt tiêm vaccine COVID-19 liều thứ 4 cho những người được coi là có nguy cơ cao bị nhiễm virus. Các mũi tăng cường sẽ bắt đầu được tiêm vào cuối tuần này cho những người có bệnh nền nghiêm trọng từ trước, những người đã tiêm liều vaccine tăng cường vào mùa thu năm ngoái. Chính phủ Đan Mạch cũng đang xem xét tiêm cho người cao tuổi và cư dân viện dưỡng lão, mặc dù vẫn chưa đưa ra quyết định.
Israel là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố đợt tiêm vaccine thứ 4 cho người dân, tiếp theo là Chile vào đầu tuần này. Hungary cũng đang cân nhắc xem có nên làm điều tương tự hay không, trong khi các chuyên gia ở Áo đã đề xuất liều thứ tư trên cơ sở “off-label” (không theo hướng dẫn).
Vương quốc Anh cho biết rằng mũi tăng cường đang cung cấp mức độ bảo vệ tốt và hiện tại không cần phải tiêm mũi thứ tư, nhưng sẽ xem xét dữ liệu khi virus tiến hoá.
Trước đó, hôm 11.1, nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trích tiêm nhắc lại mũi vaccine tăng cường. Nhóm Cố vấn Kỹ thuật về Chế phẩm vaccine COVID-19 (TAG-Co-VAC) của WHO cho biết, sử dụng vaccine gốc ngừa COVID-19 làm vaccine tăng cường chống lại các biến thể mới là cách tiếp cận sai lầm; đồng thời nói thêm rằng, thế giới cần vaccine mới bảo vệ chống lại nhiễm bệnh và lây lan.
Theo TAG-Co-VAC, các hãng nên làm việc để bào chế các loại vaccine "tạo ra những phản ứng miễn dịch rộng rãi, mạnh mẽ và lâu dài để giảm nhu cầu về các liều tăng cường liên tiếp".