Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Robert Habeck nói với đài truyền hình ARD: “Nếu chúng tôi cắt ngay nhập khẩu năng lượng Nga bây giờ sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, thậm chí không còn nguồn cung ở Đức”.
Chính trị gia đảng Xanh dự đoán "thất nghiệp hàng loạt, nghèo đói, không có năng lượng để sưởi ấm và hết xăng" nếu Đức ngừng nhập dầu và khí đốt của Nga.
Rất ít nền kinh tế phương Tây khác phụ thuộc vào năng lượng của Nga như Đức: 55% khí đốt tự nhiên, 52% than đá và 34% dầu của Đức được nhập khẩu từ Nga.
Ông Habeck cho biết chính phủ Đức đang hướng tới từ bỏ than của Nga vào mùa hè và loại bỏ dần dầu của Nga vào cuối năm nay, nhưng lệnh cấm ngắn hạn đối với khí đốt của Nga có thể khiến Đức gặp khó.
“Với than, dầu và thậm chí cả khí đốt, chúng tôi đang từng bước trong quá trình tự độc lập” - cựu đồng lãnh đạo đảng Xanh cho biết. “Nhưng chúng tôi không thể làm điều đó ngay lập tức. Điều đó thật cay đắng nhưng chúng tôi phải thú nhận là chưa thể làm điều đó".
Mỹ, quốc gia nhập khẩu khoảng 8% nhu cầu dầu thô từ Nga vào năm 2021, đã thông báo lệnh cấm đối với dầu của Nga, có hiệu lực ngay lập tức vào tuần trước, trong khi Anh tuyên bố sẽ loại bỏ dần nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay.
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraina, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đưa ra một số ranh giới đỏ trong chính sách đối ngoại, đồng ý cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraina, ủng hộ việc loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT và đóng băng đường ống Nord Stream 2 đã hoàn thành nhưng chưa hoạt động bên dưới Biển Baltic.
Nhưng nhà lãnh đạo trung tả nói rằng tay ông "bó tay" trước việc cấm năng lượng Nga. "Hiện tại, không có cách nào khác để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho Châu Âu để đảm bảo sưởi ấm, giao thông, phát điện và sản xuất" - Thủ tướng Scholz cho biết vào tuần trước.
Tùy thuộc vào dự đoán của các nhà nghiên cứu và viện kinh tế khác nhau, việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga ngay lập tức có thể làm giảm GDP của Đức xuống 0,1 hoặc nhiều nhất là 5,2%.
Trong một bức thư ngỏ, một số nhà khoa học, nhà văn và nhà hoạt động nổi tiếng của Đức đã kêu gọi chính phủ thực hiện bước đi táo bạo trong việc giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga. Theo tờ The Guardian, Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của cựu Thủ tướng Angela Merkel đã đề xuất đóng cửa đường ống Nord Stream 1 trong khi cho phép nhập khẩu khí đốt qua các tuyến đường khác.
Trong khi đó, chính phủ tự do cánh tả của Đức đang cố gắng câu giờ để lấp đầy kho dự trữ khí đốt của mình, vốn đã được các công ty năng lượng Nga cung cấp vào năm ngoái và phần lớn đã cạn kiệt vào cuối mùa đông.
Trong quá trình tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, khó có thể đưa ra các giải pháp ngắn hạn. Đơn giản hóa quy trình cho các trang trại điện mặt trời và điện gió mới là một trong những lời hứa trong thỏa thuận của chính phủ liên minh, nhưng chỉ riêng việc xây dựng cũng sẽ mất nhiều thời gian.
Việc xây dựng các bến cảng cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), như Đức hiện đã tuyên bố sẽ làm ở các thị trấn của Brunsbüttel und Wilhelmshaven, thường mất ít nhất 5 năm.
Trong khi đó, Châu Âu đã phải chịu áp lực áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga để đáp trả chiến dịch quân sự đang diễn ra ở Ukraina. Tuần trước, Ủy ban Châu Âu cho biết sẽ loại bỏ dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga vào năm 2030, chứ không cấm nhập khẩu ngay như Mỹ và Anh. Các quan chức EU cho biết các nước thành viên phải đối phó với giá năng lượng tăng cao và bổ sung dự trữ khí đốt trước mùa đông.
EU trước đây đã áp dụng các hạn chế sâu rộng đối với các ngân hàng và thương mại của Nga. Phần lớn các quốc gia Châu Âu đã đóng cửa không phận với các chuyến bay liên kết với Nga, và Mátxcơva đã đáp trả tương tự.
RT cho hay, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuần trước nói rằng ngành năng lượng Nga đã chuẩn bị sẵn sàng cho các lệnh trừng phạt, trong khi chính phủ đang tìm cách giảm thiểu tác động.