Trên chương trình nghị sự của tất cả các sự kiện ngoại giao này đương nhiên không thể thiếu các nội dung về quan hệ hợp tác song phương, nhưng lại đều có chuyện liên quan trực tiếp đến chiến sự ở Ukraina. Cụ thể ở đây là EU và Anh thuyết phục Trung Quốc và Ấn Độ đứng cùng về phe cánh của họ áp dụng những biện pháp chính sách nhằm cô lập Nga về chính trị và trừng phạt Nga về kinh tế, tài chính và thương mại, trong đó có chuyện ngăn cản Trung Quốc hậu thuẫn Nga trực tiếp hoặc gián tiếp về quân sự, cũng như hai nước không giúp Nga vô hiệu hoá tác dụng của những biện pháp trừng phạt Nga. Phe các nước thuộc khối phương Tây này đặc biệt nỗ lực thuyết phục và cả doạ Trung Quốc và Ấn Độ không tăng cường nhập khẩu dầu lửa, khí đốt và than đá của Nga, cũng như cùng Nga thiết lập hệ thống và cơ chế thanh toán tài chính riêng. Họ tìm cách phân hoá Trung Quốc và Ấn Độ với Nga.
Sứ mệnh ngoại giao của ông Lavrov ở Trung Quốc và Ấn Độ lại là tranh thủ hai nước này và làm phá sản những mưu sự nói trên của các nước phương Tây. Trung Quốc chắc chắn khiến phe kia không hài lòng khi khẳng định với ông Lavrov về thực trạng tốt đẹp và tương lai tươi sáng của mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Nga. Mỹ và Australia công khai chỉ trích Ấn Độ chủ trương tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga và xem xét thuận lợi việc thiết lập cơ chế thanh toán giữa hai đồng tiền của hai nước. Bên này tranh thủ Trung Quốc và Ấn Độ trong khi phía kia phân rẽ hai nước với Nga. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không trở thành đồng minh quân sự của Nga trong cuộc chiến ở Ukraina trong khi phía bên kia không thể vì không lôi kéo được Trung Quốc và Ấn Độ về phe mình mà làm găng với chính Trung Quốc và Ấn Độ.