Nhận được nguồn tin báo từ đường dây nóng về việc làm giả các thương hiệu túi xách nổi tiếng thế giới, mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, kiểm soát cửa hàng kinh doanh các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo thương hiệu Gucci, Louis Vuiton, Moschino, Dior, Charles Keith… tại thôn Thao Chính, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Hơn 1.200 chiếc túi “mượn” các thương hiệu Gucci, Chanel, LV, Charles&Keith
Cơ sở kinh doanh Điểm Hương tại địa chỉ Thôn Thao Chính, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là điểm đầu tiên Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra trong đợt ra quân lần này.
Tại đây, lực lượng chức năng đã thu giữ 195 sản phẩm (trong đó có 165 chiếc túi và 30 chiếc ví) có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu Gucci, Louis Vuiton, Moschino, Dior, Charles & Keith, YSL, Chanel.
Theo tìm hiểu, tại cửa hàng này, mỗi chiếc túi được đổ buôn với giá từ 30-40.000 đồng/ chiếc, tùy loại. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là chợ sinh viên và chợ truyền thống, cửa hàng ở các tỉnh lẻ. Đối tượng mặt hàng hướng đến là sinh viên và những người có thu nhập thấp.
Quan sát, một chiếc túi gắn mác Dolce&Gabbana (DG) được bày bán ở đây có chất lượng khá thấp. Màu sắc khá nhợt nhạt so với các sản phẩm chính hãng. Đường kim, mũi chỉ không được sắc nét.
Theo chủ cơ sở này, các sản phẩm được bày bán ở cửa hàng khá phù hợp với giá tiền và nhu cầu của tiểu thương đổ buôn.
“Mỗi ngày, tôi xuất đi hàng trăm sản phẩm cho các tiểu thương ở khắp mọi nơi”, chủ cơ sở thừa nhận.
Kiểm tra tại cơ sở kinh doanh túi ví Long Hương, lực lượng chức năng tạm giữ 1008 chiếc túi xách giả mạo nhãn hiệu: LV, Chanel, Gucci, Charles& keith, Dior. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến số lượng hàng hóa trên. Tại cửa hàng cũng không niêm yết giá trên sản phẩm dù cửa hàng có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Không chỉ đổ hàng trực tiếp, cửa hàng còn dùng hình thức livestream trên mạng xã hội để bán hàng online. Những đơn khách đặt thông qua buổi livestream được cửa hàng đóng gói và gửi qua đường bưu điện.
Cần sự phối hợp chặt chẽ từ chủ thể quyền các hãng
Theo ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong quá trình tác nghiệp tại các tụ điểm nóng như “tiểu khu Thao Chính”, Đội gặp nhiều khó khăn, bởi chỉ riêng lực lượng quản lý thị trường không thể kết luận các mặt hàng được bày bán tại cửa hàng là “hàng giả”, “hàng nhái” hay “hàng vi phạm sở hữu trí tuệ”.
Đơn cử, tại cửa hàng được kiểm tra, một lượng lớn túi xách mang tên “Charles Kelth” không nằm trong diện tích thu do người sản xuất đã cố tình lái chữ “i” thành chữ “l” trong từ “Keith” để không vi phạm bản quyền thương hiệu túi xách Charles&Keith của nhà sáng lập người Singapore từ đó tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Chính vì vậy, lực lượng quản lý thị trường còn nhiều lúng túng trong việc có hay không sẽ tịch thu sản phẩm trên.
Ngoài ra, tại các cửa hàng, một lượng lớn túi xách chưa gắn nhãn mác được chất thành đống lớn. Đại diện Đội Quản lý thị trường số 14 cho biết, hiện chủ cửa hàng rất tinh, họ không gắn tem, mác ngay vào sản phẩm mà chờ khi có đơn hàng, theo yêu cầu của khách các chủ cửa hàng mới gắn mác các thương hiệu. Sản phẩm sau khi gắn mác sẽ được xuất đi ngay để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Trong thời gian qua, cùng với các đợt cao điểm kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh mặt hàng đường cát, chiến dịch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tiền chất công nghiệp lưu thông trên thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường vẫn tích cực triển khai việc kiểm tra kiểm soát các mặt hàng thời trang trên địa bàn cả nước. Nhiều vụ việc đã được kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn “ngay từ trong trứng nước”.