Lý do giá xăng dầu đồng loạt tăng
Giá xăng E5RON92 chiều 4.7 tăng 450 đồng/lít, lên mức 22.460 đồng/lít; xăng RON95 tăng 540 đồng/lít, lên 23.550 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 490 đồng/lít, dầu hỏa tăng 600 đồng/lít, dầu mazut tăng 90 đồng/kg. Như vậy, giá xăng trong nước đã có phiên tăng thứ 4 liên tiếp.
Lý giải về nguyên nhân tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, thị trường xăng dầu thế giới trong kỳ điều hành lần này (từ ngày 27.6 đến ngày 3.7) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Trong đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng cao tại Mỹ trong giai đoạn cao điểm của mùa du lịch hè, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, Ukraine tiếp tục tấn công vào kho chứa dầu của Nga, lo ngại xung đột lan rộng tại khu vực Trung Đông.
Liên Bộ Tài chính - Công Thương đánh giá rằng, các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa hai kỳ điều hành giá là 93,378 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 3,11 USD/thùng, tương đương tăng 3,45% so với kỳ trước); xăng RON 95 là 98,16 USD/thùng (tăng 2,65 USD/thùng, tương đương tăng 2,78% so với kỳ trước).
Tiếp tục không "đụng" đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Tại kỳ điều hành này, Liên bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục không trích lập, đồng thời không chi Quỹ bình ổn đối với tất cả mặt hàng xăng dầu. Việc để giá xăng tăng liên tiếp, nhưng Quỹ bình ổn giá xăng dầu “bất động” khiến nhiều người quan ngại về vai trò, khả năng của quỹ này trong việc ổn định thị trường xăng dầu.
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu xuất hiện từ nhu cầu bình ổn giá xăng dầu ở Việt Nam, nhất là trong điều kiện chúng ta còn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường xăng dầu thế giới.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Quỹ bình ổn giá xăng dầu bộc lộ nhiều khiếm khuyết hơn là tác dụng bình ổn thị trường.
Những lúc giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến với biên độ lớn thì quỹ bị âm. Mặt khác, Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, cho nên có nhiều thời điểm, quỹ đã bị doanh nghiệp lợi dụng, sử dụng sai mục đích, thậm chí vi phạm pháp luật.
"Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo Quyết định thành lập - ghi rõ "có tác dụng trong thời điểm 2012-2016". Nhưng, từ đó đến nay, Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn tồn tại, điều này không đúng các quy định của pháp luật hiện hành", ông Vũ Vinh Phú nói.
Theo chuyên gia, quỹ còn thực hiện việc bù chéo giữa xăng và dầu ở một số giai đoạn nhất định. Điều đó là không thể chấp nhận.
Một ví dụ cụ thể về việc chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giảm nhiệt giá xăng dầu, đó là trong quý I/2024, có thời gian giá bán lẻ xăng dầu liên tục tăng, từ mức dưới 22.000 đồng lên mức trên 25.000 đồng/lít. Thời điểm này, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn rất lớn, gần 7.000 tỉ đồng, nhưng không chi sử dụng để bình ổn giá, kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu.
Việc quỹ "bất động" trong thời gian dài (từ tháng 10.2023 đến nay) đã ảnh hưởng đến việc điều tiết thị trường xăng dầu, gây những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (sử dụng nguyên liệu đầu vào là xăng dầu). Vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm cho những tổn thất này do Quỹ bình ổn xăng dầu không được thực hiện theo đúng chức năng vốn có.
Từ những khiếm khuyết nêu ở trên về trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho thấy, đã đến lúc phải bỏ quỹ này. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là khi bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu thì chúng ta điều tiết thị trường bằng gì?
"Tôi cho rằng, khi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (tiền của dân) thì phải có Quỹ bình ổn bằng hiện vật (xăng dầu) để thay thế. Bởi, như tôi đã nói, hiện nay, thị trường xăng dầu của ta còn khá phụ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới, chỉ một biến động của thị trường xăng dầu thế giới cũng khiến thị trường trong nước chao đảo.
Do vậy, Quỹ bình ổn bằng hiện vật phải đủ lớn để dự trữ cho đất nước từ 3-6 tháng, có như vậy mới đủ sức bình ổn thị trường khi cần thiết. Quỹ này phải được hạch toán, luân chuyển, thấp mua vào, cao bán ra như một công ty quản lý vốn Nhà nước" - ông Phú nói.