“Hiệp định này là cơ hội thuận lợi cho dệt may”
Đây là nhận định mà ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương phát biểu tại chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường Châu Âu” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 2.8.
Ông Thái thông tin, thuế quan đối với gần như tất cả mặt hàng dệt may được giảm về 0. Trong đó 77% dòng thuế được giảm về 0 ngang. Thị trường EU là thị trường lớn, về dệt may EU đứng đầu thế giới, đối với xuất khẩu nước ta EU đứng thứ hai.
“Việc của chúng ta bắt buộc là phải cải cách, tham gia Hiệp định thương mại tự do, thể hiện thách thức rất lớn đối với những ngành truyền thống như ngành dệt may. Trước đây chúng ta dựa vào dệt may rất nhiều để phát triển việc làm và phát triển theo bề rộng. Nhưng bối cảnh đã khác, việc tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nằm trong tính toán tổng thể.”
Ông Thái đưa ra hai kiến giải: Thứ nhất Việt Nam phải có thị trường lớn để lập được chuỗi cung ứng mang tính ổn định, lâu dài. Thứ hai, những thứ giúp ngành dệt may cạnh tranh ở cấp độ cao hơn, phải làm được tốt hơn. Đây chính là mục tiêu mà Việt Nam đưa ra khi tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do với EU.
“Tạo ra thị trường bền vững như vậy, chúng ta có thêm điều kiện để đầu tư, tham gia chuỗi cung ứng ở mức độ sâu hơn. Đặc biệt nếu tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, giá trị tạo ra cho Việt Nam sẽ cao hơn”, Vụ trưởng Thái nói.
Yếu ở dệt, nghẽn ở nhuộm, thách thức ở nguyên liệu
Cùng với những cơ hội có được, vụ trưởng Lương Hoàng Thái cũng cho rằng, dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.
Theo ông Thái, “khâu yếu nhất hiện nay của ngành là khâu dệt và điểm nghẽn là nhuộm, nếu như muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải nắm được mấu chốt cơ bản của chuỗi cung ứng đó”.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO - VCCI nói: “Nếu không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ, chúng ta xuất khẩu với mức thuế như cũ và không được hưởng ưu đãi. Nếu có nguồn cung nguyên liệu phù hợp và đáp ứng quy tắc xuất xứ có liên quan thì mới có thể được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan hiệp định này”
Bà Trang thông tin thêm: 90% nguyên phụ liệu của dệt may Việt Nam hiện nay đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của Hiệp định EVFTA và không được ưu đãi cộng gộp trong hiệp định. Trong khi, hầu hết các hiệp định mới ký đều có yêu cầu rất cao về quy tắc xuất xứ.
“Đây chính là động cơ thúc đẩy các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài rót vốn vào ngành hiện nay được xem là nút thắt trong nguồn cung nguyên liệu cho ngành dệt may Việt Nam, đó là ngành dệt và dệt nhuộm.
Nguồn cung nguyên liệu từ đoan sợi, một vài năm trước đây chúng ta khó khăn cả phần sợi này, hiện nay phần sợi đã có tiến bộ hơn nhiều, chúng ta đã có xuất khẩu sợi".
"Một vài năm trước đây xuất khẩu sợi của chúng ta phần nhiều, vì chất lượng sợi chưa được tốt lắm, chưa sử dụng được nhiều trong sản xuất hàng dệt may yêu cầu chất lượng cao. Lý do quan trọng là chúng ta có sợi nhưng không có dệt, không có nhuộm, chúng ta không thể để sợi đấy ở Việt Nam được.
Tôi hy vọng với những động lực được tạo ra bởi các hiệp định như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, CPTPP hay các hiệp định khác, trong tương lai đầu tư cho dệt nhuộm của Việt Nam sẽ tốt hơn, giúp Việt Nam giải quyết bài toán vấn đề nguồn cung cho ngành dệt may.”- bà Trang nói.