Chật vật xoay xở
Theo ghi nhận của Lao Động, việc giá xăng tăng cao đã vô tình tác động lớn đến tâm lý chung của người dân. Trong những ngày qua, có không ít người đã phải tính đến phương án cân đối tài chính, cắt giảm chi tiêu hàng ngày vì giá hàng hóa thiết yếu cũng đang rơi vào tình trạng "tát nước theo mưa".
Mỗi khi cầm tiền đi mua sắm, chị Trần Thanh Mai (SN 1990, quận Cầu Giấy) đã rất "chóng mặt" khi thấy giá thực phẩm, rau củ quả liên tục tăng cao. Nhiều mặt hàng đều đồng loạt tăng. Có hôm cầm theo 300.000 đồng đi mua sắm, chị Mai đều phải tính toán, cân nhắc xem hôm nay nên mua gì, không mua gì để tránh lạm chi.
Chị Mai chia sẻ: "Gần đây xăng dầu tăng giá nên mọi hàng hoá cái gì cũng đắt đỏ. Bó rau trước kia giá khoảng 4.000 -5.000 đồng/bó nhưng hiện tại đã đẩy lên 7.000 - 9.000 đồng/bó, cao gấp 2 lần những ngày thường. Có hôm cầm 300.000 đồng đi mua sắm ở gần nhà, chỉ mua vài mớ rau, chút thực phẩm lặt vặt nhưng nếu không tính toán kỹ lưỡng thì cũng không đủ chi tiêu, mua thức ăn cho cả gia đình. Dịch bệnh phức tạp, nhiều hôm dù muốn gọi dịch vụ đi chợ hộ cho an toàn nhưng do chi phí cao quá, tôi không gánh nổi".
Cùng chung nỗi lo, anh Nguyễn Văn Thiết (SN 1989, chạy xe ôm ở Hà Nội) những ngày qua đã phải làm thêm giờ, tranh thủ chạy nhiều cuốc xe để bù vào chi phí xăng dầu tiêu hao. Theo anh Thiết, giá xăng tuy chỉ tăng khoảng 1.000 đồng/lít thế nhưng đối với những người làm nghề vận chuyển, chạy xe ôm như anh mới thấm thía.
"Giá xăng tăng cao nên hầu hết những tài xế như chúng tôi đều phải cân nhắc mỗi khi chở khách để giảm số km, hạn chế di chuyển nhiều. Nhiều khách hàng thấy giá dịch vụ xe ôm tăng nên họ cũng không khỏi ngỡ ngàng, giật mình và giảm nhu cầu đi lại. Tôi cảm thấy lo lắng, chạy xe cật lực cả ngày trên đường nhưng cuối ngày tính toán lại cũng không ăn thua khi đã bù vào phí xăng dầu. Việc chi tiêu, các khoản sinh hoạt phí ở Thủ đô của tôi chắc chắn sẽ phải co hẹp lại nhiều" - anh Thiết tâm sự.
Doanh nghiệp cũng "đau đầu"
Theo tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp khi được hỏi đều cho rằng, nếu chỉ nhìn mức giá xăng tăng khoảng 1.000 đồng/lít sẽ không đáng là bao. Nhưng nếu cộng dồn vào nhiều giờ, nhiều ngày, cùng với việc hàng hóa thiết yếu đồng loạt tăng lên thì chi phí người dân, doanh nghiệp đang phải "gồng gánh" sau khi giá xăng điều chỉnh thì rất lớn.
Mở hàng ăn chưa được bao lâu, thế nhưng anh Trần Văn Nghĩa (phố Dương Quảng Hàm, quận Cầu Giấy) liên tục phải điều chỉnh giá và xin lỗi khách khi phải thu thêm 5.000 đồng/bát phở nếu khách đặt ship. Chưa hết, mỗi lần đi nhập thực phẩm, anh Nghĩa đều bất ngờ khi giá cả thực phẩm đồng loạt tăng cao. Nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, lượng khách ở quán đã giảm đi nhiều nên việc điều chỉnh giá đối với anh là một bài toán khó.
Cũng không nằm ngoài sự lo lắng, các doanh nghiệp vận tải những ngày qua cũng đang "đau đầu" khi phải cân đối giá cước xe. Giá xăng tăng cao và lập đỉnh lịch sử, nhưng theo anh Hoàng Văn Hùng (nhân viên nhà xe tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh), hiện doanh nghiệp đang rất căng thẳng. Nhu cầu di chuyển đã giảm mạnh trong dịch COVID-19 nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá cước được vì lo sợ các chuyến xe sẽ trống ghế, mất khách hàng.
Từ ngày 21.2, giá xăng dầu được điều chỉnh lên mức cao kỷ lục. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 lên 25.532 đồng/lít, tăng 961 đồng/lít so với giá trước đó. Xăng RON95 lên 26.287 đồng/lít, tăng 965 đồng/lít. Với mức tăng này, giá xăng RON95 đã vượt mức "đỉnh" vào tháng 7.2014 (26.140 đồng một lít). Trong khi đó, giá E5 RON92 chỉ thấp hơn mức "đỉnh" thời điểm này khoảng 110 đồng/ lít.