Giá dầu tăng nóng có thể khiến lạm phát vượt “trần”

Văn Nguyễn |

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2.2021 đạt mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm gần đây gây nhiều lo ngại về khả năng khống chế lạm phát cả năm. Dù vẫn tin tưởng lạm phát cả năm sẽ được khống chế thành công, thậm chí dưới con số mục tiêu 4% được Quốc hội đề ra đầu năm, nhiều tổ chức đầu tư lưu ý cần thận trọng với áp lực lạm phát đến từ việc giá dầu đang tăng rất mạnh trong năm nay.

Lo ngại áp lực từ giá dầu tăng

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2.2021 đạt mức tăng 1,52% so với tháng trước và là mức tăng cao nhất trong 8 năm gần đây. Chịu tác động của nhiều yếu tố, các phân tích của GSO cho thấy CPI tháng 2.2021 đạt mức tăng lớn chủ yếu bởi yếu tố mùa vụ, trong đó áp lực chính đến từ giá gạo, thịt lợn, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Dù thực tế nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2.2021 chỉ tăng 0,7%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay và bình quân 2 tháng đầu năm 2021, CPI vẫn giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,64%.

Đánh giá về mức tăng CPI trong tháng 2 vừa qua, khối nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC cho rằng, mức tăng mạnh của CPI tháng qua còn do giá điện tăng mạnh sau khi kết thúc chương trình hỗ trợ giá nhằm giảm tác động của dịch bệnh COVID-19, giá lương thực leo thang và chi phí vận tải cao hơn.

Chính vì vậy, việc điều chỉnh giá lương thực thực phẩm sau giai đoạn Tết Nguyên đán sẽ góp phần bù đắp việc tăng giá của xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên các chuyên gia của HSBC cũng bày tỏ lo ngại lạm phát sẽ có áp lực tăng từ giá vận tải cao hơn khi giá dầu thô được dự báo có thể tăng tới 34% trong năm nay.

Bên cạnh đó, Việt Nam đến nay vẫn là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng tích cực trong năm 2020, tạo áp lực lạm phát do nhu cầu trong nước được duy trì tương đối tốt với việc giá cả các mặt hàng thiết yếu như thiết bị gia dụng, giáo dục và quần áo có tốc độ tăng ổn định.

Cộng với các yếu tố về kỳ vọng tỉ giá ổn định, thị trường lao động chưa thể bùng nổ góp phần làm hạn chế lạm phát từ phía nhu cầu, khối nghiên cứu kinh tế của HSBC nhận định lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 sẽ ở mức trung bình khoảng 3%, giảm 0,3% do với dự báo trước đó và chủ yếu phản ánh tác động của việc điều chỉnh giá lương thực.

Theo đó dù vẫn có những rủi ro tăng cao hơn do các yếu tố như giá thực phẩm, giá dầu và chi phí chăm sóc sức khỏe, nhưng lạm phát cả năm được HSBC dự báo sẽ duy trì dưới mức trần 4%.

Kiềm chế từ nguồn quỹ bình ổn

Cũng lưu ý đến khả năng giá dầu thế giới tăng mạnh có thể khiến giá xăng bán lẻ tăng mạnh trở lại từ vùng đáy năm 2020 dưới tác động của dịch COVID-19, các chuyên gia phân tích của KB Securities Việt Nam (KBSV) cho rằng áp lực lạm phát còn có thể kéo theo khả năng lãi suất tăng lên. Theo phân tích của KBSV, áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh trong quý II và quý III/2021 với mức nền thấp trong năm 2020 do giá xăng bán lẻ tạo đáy dưới tác động của dịch COVID-19.

Ngay cả trong trường hợp giá các loại hàng hóa khác không có nhiều biến động bất thường, KBSV cho rằng với việc giá xăng dầu chiếm tỉ trọng khoảng 4% trong rổ tính toán CPI, ước tính CPI bình quân 2021 có thể tăng vượt mốc 4% nếu giá xăng RON95 bình quân 2021 tăng 30% so với cùng kỳ, tương đương mức 20.500 đồng/lít, cao hơn 13,4% so với mức hiện tại.

Tuy nhiên khi đặt ra khả năng giá dầu có thể tăng mạnh như trên, KBSV cũng cho rằng với nguồn cung dự báo được cải thiện về cuối năm và quỹ bình ổn xăng dầu trong nước ước tính còn 3.500 tỉ đồng, Việt Nam có thể sử dụng trong trường hợp cần thiết để kiềm chế đà tăng giá xăng dầu. Ngoài ra nếu rủi ro lạm phát tăng cao xuất hiện trong các quý tới, KBSV cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng các chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiềm chế lạm phát như tăng lãi suất, giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, qua đó sẽ gây ra các tác động tiêu cực đến dòng tiền trên thị trường cổ phiếu.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, diễn biến cung - cầu và giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu sẽ được theo dõi rất sát để hạn chế việc tăng giá ngay từ đầu năm 2021. Các chính sách tài khóa trong năm nay cũng được điều hành chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Riêng với các mặt hàng do Nhà nước quản lý, cơ quan quản lý sẽ chủ động dự báo, tính toán và xây dựng kịch bản điều hành giá phù hợp. Trường hợp xem xét điều chỉnh trong năm 2021 cần chủ động tính toán, đánh giá liều lượng và mức độ điều chỉnh cho phù hợp.

Lãi suất tăng lên dưới áp lực lạm phát

Liên quan đến các áp lực tới mặt bằng lãi suất thị trường, trong các ngày gần đây theo khảo sát của PV Báo Lao Động, mặt bằng lãi suất huy động VND đang có xu hướng được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lên ở một số kỳ hạn. Trong tuần qua, một số ngân hàng gồm cả quốc doanh và cổ phần đã tiến hành điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,3% đến 0,9%/năm, chủ yếu áp dụng với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng cao nhất tại nhiều ngân hàng như VietABank, VRB, KienLongBank hiện lên tới 7-7,3%/năm, cá biệt có ngân hàng như SCB sẵn sàng trả lãi suất tới 7,6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. N.V

Giá dầu thế giới tiếp tục leo thang

Trong các ngày cuối tuần qua, giá dầu thế giới tiếp tục duy trì đà tăng đáng chú ý nhờ các dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021. Cụ thể, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ phục hồi ở mức tăng 5,6%, thay vì con số dự báo trước đó là 4,2% và năm 2022 là 4%. Tín hiệu tích cực này tiếp tục tạo động lực thúc đẩy giá dầu tăng rất mạnh trong thời gian gần đây.

Cuối tuần qua, giá dầu Brent vọt lên ngưỡng sát 70USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ WTI cũng đang được giao dịch ở mức xấp xỉ 65USD/thùng, tăng rất mạnh so với vùng giá lần lượt là 52USD/thùng và 49USD/thùng vào cuối năm 2020. N.V

Văn Nguyễn
TIN LIÊN QUAN

Giá dầu thế giới tăng tác động 2 mặt đến kinh tế Việt Nam

Tùng Thư |

Các chuyên gia kinh tế dự báo, giá dầu có thể sẽ tăng khoảng 15-25% trong năm 2021, phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu.

Đừng quá lo lắng với giá dầu

cẩm hà - lam duy |

Trong lúc các tác động tiêu cực của việc giá dầu giảm mạnh tới nguồn thu ngân sách được nhìn nhận là không quá lo ngại, xu hướng giảm giá lại đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhiều ngành hàng và doanh nghiệp trong nước tiết giảm chi phí sản xuất đầu vào. Qua đó, nó trực tiếp giảm giá cả hàng hóa trên thị trường và giúp kích thích tiêu dùng trong nước hồi phục sau các tác động nặng nề của dịch COVID-19.

Tỷ giá ngoại tệ 6.5: Giá dầu hồi phục, USD nhận thêm sức ép

Khương Duy |

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 6.5: Đồng đôla chịu nhiều sức ép khi giá dầu bắt đầu có xu hướng tăng trở lại. Tỷ giá ngoại tệ các đồng tiền trong rổ tiền tệ thế giới hiện giao dịch ở ngưỡng 1 euro đổi 1,083 USD; 1 USD đổi 106,53 yên; và 1,243 bảng Anh GBP đổi 1 USD.

Nghệ An: Vì sao thu ngân sách hơn 20 nghìn tỉ nhưng không đủ chi?

QUANG ĐẠI |

Tính đến hết năm 2022, thu ngân sách của tỉnh Nghệ An đạt 21.152 tỉ đồng, tăng 40,9% so với dự toán HĐND tỉnh giao.

Hà Nội: Cận Tết, giá pháo hoa Z121 vẫn ở mức cao

HỮU CHÁNH |

Càng cận Tết Nguyên đán 2023, nhiều dân buôn tích trữ pháo hoa Z121 ồ ạt xả hàng với mức giá rẻ hơn so với tháng trước. Còn pháo hoa ở một số đại lý của Nhà máy Z121 vẫn được bán ở mức giá cao so với niêm yết.

Cận Tết, người tiêu dùng "méo mặt" vì phí ship tăng cao

Nhóm PV |

Bận rộn với công việc, bạn Nguyễn Hồng Phúc tranh thủ chút thời gian nghỉ trưa lên mạng đặt ship quà Tết về biếu bố mẹ. Ấy thế nhưng ngay khi vừa nghe bên cửa hàng báo phí ship, Phúc giật mình ngã ngửa bởi phí ship quá cao.

Ông Putin ký luật về cổ đông của các nước "không thân thiện"

Khánh Minh |

Các công ty liên doanh Nga có quyền ra quyết định mà không cần lá phiếu của cổ đông các nước "không thân thiện" - theo sắc lệnh mới của Tổng thống Vladimir Putin.

Sập cửa hàng tiện lợi ở TPHCM, nghi có người mắc kẹt bên trong

Chân Phúc |

TPHCM - Cửa hàng tiện lợi nằm trên đường Vĩnh Hội (quận 4) bất ngờ bị sập, hiện lực lượng chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp cứu nạn cứu hộ.

Giá dầu thế giới tăng tác động 2 mặt đến kinh tế Việt Nam

Tùng Thư |

Các chuyên gia kinh tế dự báo, giá dầu có thể sẽ tăng khoảng 15-25% trong năm 2021, phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu.

Đừng quá lo lắng với giá dầu

cẩm hà - lam duy |

Trong lúc các tác động tiêu cực của việc giá dầu giảm mạnh tới nguồn thu ngân sách được nhìn nhận là không quá lo ngại, xu hướng giảm giá lại đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhiều ngành hàng và doanh nghiệp trong nước tiết giảm chi phí sản xuất đầu vào. Qua đó, nó trực tiếp giảm giá cả hàng hóa trên thị trường và giúp kích thích tiêu dùng trong nước hồi phục sau các tác động nặng nề của dịch COVID-19.

Tỷ giá ngoại tệ 6.5: Giá dầu hồi phục, USD nhận thêm sức ép

Khương Duy |

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 6.5: Đồng đôla chịu nhiều sức ép khi giá dầu bắt đầu có xu hướng tăng trở lại. Tỷ giá ngoại tệ các đồng tiền trong rổ tiền tệ thế giới hiện giao dịch ở ngưỡng 1 euro đổi 1,083 USD; 1 USD đổi 106,53 yên; và 1,243 bảng Anh GBP đổi 1 USD.