Với các doanh nghiệp, làng nghề sản xuất các đặc sản như nước mắm, bánh khô mè, các loại hạt… tại TP Đà Nẵng thì Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ hàng hóa chiếm 25 đến 30% cả năm.
Ông Bùi Thanh Phú, chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Nam Ô Hương Làng Cổ (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cơ sở dự kiến bán ra thị trường khoảng 8.000 lít nước mắm. Số lượng này tăng khoảng 15% so với năm ngoái, tuy nhiên, dự báo doanh thu của đơn vị sẽ giảm.
Lý giải về điều này, ông Phú cho hay, các đơn vị thường đặt hàng nước mắm Nam Ô làm quà Tết là các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên nếu mọi năm, nhiều đơn vị khá “thoáng” trong việc chọn sản phẩm thì năm nay lại có sự cân nhắc kỹ lưỡng về giá cả.
“Bình thường khách hàng sẽ chọn loại mắm được ủ 2 năm, chất lượng ngon hơn, chọn chai thủy tính với mức giá từ 65.000 đến 90.000 đồng/lít/chai thì năm nay, khách hàng chọn loại mắm được ủ 1 năm, chai nhựa với mức giá khoảng 45.000 đồng/lít/chai. Điều đó cho thấy kinh tế khó khăn chung khiến họ phải thắt chặt chi tiêu, cân đo đong đếm những sản phẩm quà Tết” – ông Phú cho hay.
Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 50% lượng hàng sản xuất có người đặt, 50% còn lại ông Phú phải đợi các nguồn khách lẻ dịp cận Tết.
Cũng trong bức tranh kinh tế khó khăn chung đó, anh Huỳnh Đức Sol, chủ cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (quận Cẩm Lệ), đặc sản từng được bình chọn là top 10 quà vặt Việt Nam cho biết, lượng sản xuất bánh năm nay tăng 10 đến gần 20%. Mức tăng này thấp hơn so với trung bình các năm (trên 20 đến 30%).
Anh Sol cũng nhìn nhận, kinh tế khó khăn chung nên mức tăng này cũng chưa đạt được như kỳ vọng. Anh Sol hy vọng trong những ngày sắp tới sẽ có một số đơn hàng mới, giúp cơ sở tăng lượng tiêu thụ, người lao động có việc làm nhiều hơn trong dịp cuối năm.
Hợp tác xã nông sản sạch Đô 37 (quận Ngũ Hành Sơn) bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho vụ Tết Nguyên đán từ tháng 11.2023 đến nay nhưng đại diện Hợp tác xã cho hay, năm nay, lượng hàng sản xuất dịp Tết có tăng nhưng không cao so với mọi năm.
Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho hay, qua tổng hợp báo cáo của các đơn vị và từ tình hình thực tế, năm nay, kinh tế trong nước mặc dù có những dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức do phục hồi sau đại dịch. Khu vực sản xuất còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, do đó, sức mua, mức chi tiêu của người dân giảm.
Vì vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chuẩn bị nguồn hàng dự trữ nhưng không tăng nhiều so với năm ngoái. Nhiều đơn vị phải đưa ra một số chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu. Dự kiến, tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết tại Đà Nẵng năm nay dự kiến khoảng 2.580 tỉ đồng.