Nhóm "Đổi tiền lì xì mới 2020" trên mạng xã hội Facebook, nhiều người đã ráo riết mời chào khách bằng đủ chiêu trò như tiền thật 100%, mới nguyên 100%, nguyên cọc, liền seri, ship tận nơi. Loại tiền được đổi phổ biến nhất hiện nay là mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng.
Liên hệ với tài khoản Đ.V.H - người nhận đổi tiền ở khu vực Hà Nội và Bắc Ninh, người này cho biết, tiền mệnh giá càng nhỏ, mức phí đổi càng cao và ngược lại mệnh giá cao mức phí đổi sẽ thấp hơn.
Hiện H đang nhận đổi tiền các mệnh giá từ 1.000 đồng đến 20.000 đồng - mức phí 6%; mệnh giá 50.000 đồng với mức phí 4%, 100.000 đồng có mức phí 1%. "Đây là mức đổi tiền "mềm" nhất trên thị trường hiện nay, không nơi nào có giá ưu đãi như vậy", H khẳng định.

H lấy ví dụ, khi khách hàng muốn đổi 5 triệu đồng lấy tiền mệnh giá 50.000 đồng phải chịu mức phí 200.000 đồng, đổi 5 triệu đồng lấy tiền mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng - mức phí đổi là 300.000 đồng.
H cho biết hiện đang gom các đơn hàng ở Hà Nội và sẽ hẹn khách vào cuối tuần và gặp mặt trực tiếp để giao dịch.
Trong khi đó, tại trang web "đổi tiền online" chi phí đổi tiền lẻ hiện khá cao, các mệnh giá tiền lẻ đều chịu mức phí như nhau từ 15-20%.
Cụ thể, mệnh giá từ 1.000 - 5.000 đồng có mức phí 15%, mệnh giá 10.000 - 20.000 đồng có mức phí 10% và mệnh giá 50.000 đồng có mức phí 7%. Nếu khách đổi số lượng lớn và đổi sớm thì phí sẽ thấp hơn, hai bên có thể thỏa thuận trước khi giao dịch.
Theo website này, một tép (thếp, xấp) sẽ được xếp thành 100 tờ, một cây (cọc, bó, cục) gồm 10 xấp tiền (1000 tờ), một bao giấy (nửa bao tải) gồm 10 bó tiền (1 vạn tờ tiền) và một bao tải (niêm phong chì) gồm 2 bao giấy chứa 20 bó tiền (2 vạn tờ).
Người đổi tiền bị phạt thấp nhất 20 triệu đồng
Trao đổi với Lao Động, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch là hành vi trái pháp luật và bị nghiêm cấm.
Nếu người nào thực hiện các hành vi đổi tiền không đúng quy định như đổi tiền có phí, đổi tiền không đúng mệnh giá… sẽ bị xử phạt hành chính với mức thấp nhất là 20 triệu đồng.
Cụ thể, điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 96 của Chính phủ, quy định, sẽ phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp 2 lần. Hiểu theo quy định này thì bất cứ hoạt động nào đổi tiền không đúng quy định đều bị xử phạt và người đổi tiền cũng sẽ bị phạt tiền.
Đồng quan điểm, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, điều 9 Chỉ thị số 34 của Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 quy định: Nếu hoạt động đổi tiền mặt không đúng quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý, xử phạt hành chính theo Nghị định 96 năm 2014 của Chính phủ ban hành ngày 17.10.2014 Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Cụ thể, tại Khoản 5 Điều 30 của Nghị định này quy định: phạt tiền từ 20 triệu-40 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Theo luật sư Giang Hồng Thanh, Nghị định 96 năm 2014 của Chính phủ nói rõ, thẩm quyền xử phạt với hành vi đổi tiền trái pháp luật được quy định gồm những cá nhân, tổ chức sau: Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Cục trưởng Cục thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh thanh tra giám sát ngân hàng, Trưởng đoàn thanh tra do Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định...