3 doanh nghiệp đầu tiên xin chứng nhận vùng trồng để xuất khẩu gạo sang EU
3 doanh nghiệp đầu tiên gửi hồ sơ xin chứng nhận vùng trồng và chủng gạo thơm để xuất khẩu sang Châu Âu (EU) theo quy định của EVFTA, gồm: Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Công ty CP Chế biến gạo Viễn Đông và Công ty TNHH Khánh Tâm.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty CP công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An), cho biết: Doanh nghiệp đã tìm kiếm thị trường và đàm phán với các nhà nhập khẩu, hạn ngạch do EU trực tiếp giao cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Thị trường EU là thị trường đặc biệt cao cấp, có thể chấp nhận nhập khẩu gạo có phẩm cấp cao với giá lên đến 2.000 USD/tấn, nhưng bù lại, họ yêu cầu về chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm rất cao, đặc biệt là vấn đề về tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật luôn là rào cản lớn nhất để vào được thị trường này.
Do đó, Trung An đã tập trung triển khai chương trình cánh đồng mẫu lớn theo mô hình liên kết do Bộ NNPTNT chỉ đạo. Hình thức liên kết trực tiếp với người nông dân theo phương thức đôi bên cùng có lợi “nông dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp”, mô hình trồng lúa cánh đồng lớn với kiểm soát nghiêm ngặt về nguồn tưới, hóa chất bảo vệ thực vật. Đến nay, doanh nghiệp này đã phát triển được 30.000ha diện tích cánh đồng đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng của mình.
“Đặc biệt, Trung An đang dành riêng 800ha tại Kiên Giang phát triển vùng nguyên liệu lúa hữu cơ để đáp ứng khách hàng đặc biệt khó tính về chất lượng theo hình thức 100% tự nhiên không phân thuốc bảo vệ thực vật” - ông Phạm Thái Bình chia sẻ.
Theo ông Bình, đến nay, 100ha tại khu vực này đã được cấp chứng chỉ Organic của Mỹ và Châu Âu, đủ điều kiện để xuất khẩu vào các thị trường đặc biệt khó tính. Căn cứ vào nhu cầu thực tế, diện tích Organic sẽ được mở rộng trên 700ha còn lại. Ngoài ra, 800ha tại Kiên Giang vốn là rừng tràm nguyên sinh, được Trung An giữ nguyên hiện trạng và khai thác trồng lúa Organic và lúa sạch từ năm 2015. Chính vì vậy, 700ha còn lại có thể đáp ứng đạt chuẩn canh tác Organic bất cứ lúc nào mà không mất thời gian cải tạo đất 3 năm như những cánh đồng truyền thống khác.
Ngoài gieo trồng, việc bảo quản sau thu hoạch là yếu tố tối quan trọng giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm. Để bảo quản bài bản tập trung, không làm mất đi chất lượng hạt gạo, Công ty Trung An đã sử dụng 10 silo sức chứa 30.000 tấn có thể lưu trữ lúa khô trong vòng 1 năm, khi xạ ra xay xát thì chất lượng như lúc mới thu hoạch.
Cũng như Trung An, các doanh nghiệp Viễn Đông, Khánh Tâm cũng đang nỗ lực để đạt chất lượng và sản lượng cao nhất những giống lúa thơm xuất khẩu sang EU.
Dư địa xuất khẩu gạo sang EU còn rất lớn
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NNPTNT cho biết, việc chuẩn bị hành trang để hạt gạo Việt Nam sang EU đã được Bộ NNPTNT triển khai trong một thời gian dài. Đến nay, chúng ta đã hoàn thiện quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm sang EU và đến thời điểm này đã có những doanh nghiệp đầu tiên gửi hồ sơ chứng nhận chủng gạo và vùng trồng.
Diện tích gieo cấy lúa thơm tại các tỉnh vùng ĐBSCL hàng năm đạt khoảng 25% tổng diện tích gieo cấy (khoảng 1 triệu ha), sản lượng lúa thơm ước đạt 5,5 triệu tấn, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo thơm.
Với số lượng xuất khẩu gạo thơm sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30 nghìn tấn, tương đương với 1,2% lượng gạo thơm sản xuất trong vùng nên tiềm năng xuất khẩu gạo thơm còn rất lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, gạo của Việt Nam có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch bởi chúng ta có lợi thế từ Hiệp định EVFTA. Khi thực thi EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.
Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.
“Như vậy, gạo Việt khi không còn chịu thuế suất sẽ hạ giá thành, cạnh tranh tốt hơn tại thị trường EU” - Thứ trưởng Doanh nói.
Trong tháng 8.2020, một trong những điểm nhấn đáng lưu ý nhất là mức giá xuất khẩu gạo Việt sang thị trường EU đã chạm tới con số kỷ lục hơn 1.000USD/tấn sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1.8.
Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine. Trong đó, giá gạo ST20 có giá lên tới trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn, là mức giá cao nhất trong 9 năm gần đây. Trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU khoảng chỉ khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine 520 USD/tấn.
“Lô gạo đầu tiên của chúng tôi đã được đóng hàng ngày 27 và 28.8 với số lượng 150 tấn. Từ đầu tháng 9 đến nay chúng tôi vẫn đóng hàng tiếp để giao theo lịch của khách hàng, mỗi lô khoảng 2-3 container... Từ đầu tháng 9 đến nay đã đóng 5 container với 125 tấn và gạo đã lên tàu rồi. Dự tính khoảng cuối năm nay chúng tôi sẽ giao xong 3.000 tấn cho 3 thương nhân ở Châu Âu. Ngoài ra, khả năng tháng 10.2020 chúng tôi sẽ ký và giao hàng cho thương nhân ở Cộng Hòa Pháp nữa” - ông Phạm Thái Bình cho biết.
Về giá gạo xuất khẩu, ông Phạm Thái Bình tỏ ra lạc quan có thể đạt mức cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 trong tương lai.
“Nói chung khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực gạo VN có khả năng cạnh tranh cao và sẽ tăng sản lượng xuất khẩu vào EU. Giá gạo 1.000USD/tấn là giá gạo đạt tiêu chuẩn GAP, còn gạo hữu cơ đạt tiêu chuẩn Organic giá không dưới 2.000USD/tấn, dưới giá đó là lỗ” - ông Bình khẳng định.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), 8 tháng năm 2020 dù khối lượng xuất khẩu giảm 1,7%, đạt 4,5 triệu tấn, song giá trị xuất khẩu lại tăng tới 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, thu về 2,2 tỉ USD.