Ngày 15.3, Tổng Thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường cho biết, vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của các phía liên quan để có hướng giải quyết cụ thể.
“Chúng tôi đang đợi đơn từ vận động viên để giải quyết từng sự vụ. Ngoài trường hợp của Như Quỳnh, đội Vietinbank có thêm Thu Hoài, Ninh Anh, Phương Anh xin nghỉ tập. Tất cả đều cho biết, tuần này sẽ gửi đơn, muốn Liên đoàn bóng chuyền đứng ra xem xét giải quyết”, ông Trường xác nhận.
Trước đó, Công ty Coseco – đơn vị quản lý đội Vietinbank - đã ký văn bản ký ngày 3.3 gửi đến Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam để thông báo Như Quỳnh vẫn thuộc quản lý và tố vận động viên này vô kỷ luật, không trở lại tập luyện đúng thời gian quy định. Trong khi đó, Như Quỳnh khẳng định việc rời Vietinbank sau khi đã hết hợp đồng và gia nhập Than Quảng Ninh là đúng luật.
Mọi phân xử chỉ được giải quyết khi giấy tờ của các bên được gửi đến Liên đoàn bóng chuyền xem xét. Đến thời điểm hiện tại, theo tìm hiểu, không bên nào muốn những mâu thuẫn sẽ phải nhờ đến tòa án dân sự giải quyết.
Nhìn lại, trong lịch sử bóng chuyền Việt Nam, năm 2011, cầu thủ Nguyễn Văn Hạnh từng phải hầu tòa khi bị đội bóng cũ Tràng An Ninh Bình kiện do chuyển nhượng không đúng quy định và sau đó đã phải bồi thường 450 triệu đồng tiền đào tạo.