Văn Toàn đã quyết định sớm chia tay câu lạc bộ Seoul E-land ở Hàn Quốc để trở lại V.League từ mùa giải 2023-2024. Công Phượng chưa có động thái nào về tương lai của anh tại Yokohama ở Nhật Bản. 2 cựu cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai đều để lại dấu ấn ở trận giao hữu của Đội tuyển Việt Nam với Palestine mới đây, với 1 bàn thắng ghi tên Công Phượng và 1 đường kiến tạo từ chân Văn Toàn.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ Huấn luyện viên Philippe Troussier, màn trình diễn của họ chỉ ở mức “chấp nhận được”. Mặc dù có thể hiểu rằng, dù không được thi đấu nhiều nhưng vẫn ghi dấu ấn, tiềm năng của Công Phượng và Văn Toàn sẽ còn được phát huy nhiều hơn nữa nếu họ ra sân thường xuyên ở câu lạc bộ. Và huấn luyện viên người Pháp đã có lời khuyên cho họ về việc “tìm cho mình cơ hội ở câu lạc bộ”, cùng lời cảnh báo “cần tìm kiếm cơ hội thi đấu để cạnh tranh với những cầu thủ cùng vị trí với mình”.
Đó là tiếng gọi phải có trách nhiệm với chính sự nghiệp của mình cũng như tiếng gọi của đội tuyển quốc gia. Công Phượng sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề này, đặc biệt là khi anh mới chỉ có vài giây ngắn ngủi ra sân kể từ khi đến Nhật Bản.
Đối với các cầu thủ trẻ của tuyển Olympic, họ đến ASIAD mà không bị đặt nặng vấn đề thành tích, thế nhưng, họ vẫn có nhiệm vụ quan trọng với sự nghiệp của họ và với tiếng gọi quốc gia. HLV Hoàng Anh Tuấn muốn các cầu thủ thể hiện để rèn theo triết lý của đội tuyển quốc gia.
“Gặp đối thủ nào cũng phải chơi kiểm soát bóng. Điều này tốt hơn cho đội tuyển quốc gia vì khi được gọi lên, các cầu thủ sẽ hoà nhập nhanh” - ông Tuấn nói. Mục tiêu, định hướng của VFF là các giải đấu như U23 Đông Nam Á, ASIAD là nơi để phát triển và hoàn thiện cầu thủ. Tất nhiên, với bóng đá trẻ khoảng cách trình độ không quá lớn để Olympic Việt Nam có thể tự tin tranh tài, nhưng thể hiện “như đội tuyển quốc gia” rõ ràng là một kiểu thách thức khác đối với các cầu thủ trẻ. Họ sẽ phải gắn thêm nhiều trách nhiệm hơn khi nghe tiếng gọi của đội tuyển.