Thành công tại SEA Games…
Những người làm thể thao Việt Nam có thể nở nụ cười mãn nguyện khi nhìn vào bảng tổng sắp huy chương tại SEA Games 32. Các vận động viên mang về 136 Huy chương Vàng, 105 Huy chương Bạc, 111 Huy chương Đồng cho đoàn thể thao Việt Nam - đoàn duy nhất mà 3 loại huy chương chạm đến 3 con số.
Theo dự kiến trước SEA Games 32 đề ra, thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu 16 Huy chương Vàng. Điều đó cho thấy, lãnh đạo ngành thể thao và các nhà chuyên môn đã có đánh giá khá sát về tình hình (cả chủ quan lẫn khách quan) để đưa ra dự báo. Nên nhớ, đoàn Thái Lan đặt ra chỉ tiêu giành 165 Huy chương Vàng nhưng về đích với 108.
Không chỉ ngành thể thao, người hâm mộ cũng cảm thấy vui với vị trí nhất toàn đoàn của thể thao Việt Nam sau 10 ngày tranh tài ở Campuchia. Như đánh giá của đại diện lãnh đạo đoàn, thành tích của thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 đến từ quá trình chuẩn bị kĩ lưỡng, lâu dài và bài bản với bước đà là SEA Games 31.
Nhóm các môn Olympic đã được đầu tư trọng điểm, đi tập huấn nước ngoài. Nhóm các môn SEA Games và Asian Games cũng có sự chuẩn bị kĩ càng, chuyển hướng linh hoạt đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức.
Thành công về số lượng, chất lượng của các tấm huy chương tại SEA Games 32 cho thấy Việt Nam có lực lượng tương đối dày và toàn diện ở các nhóm môn Olympic, Asian Games và SEA Games.
Tính toán cho đấu trường lớn hơn
Cũng bởi thế, sau SEA Games “thành công nhất trong lịch sử khi thi đấu xa nhà”, đã sớm có những kì vọng về sự vươn lên mạnh mẽ để đạt thành tích tại các đấu trường lớn hơn ở châu lục (ASIAD) và thế giới (Olympic). Ngành thể thao cần thời gian để có tổng kết và đánh giá lại về thành tích của các vận động viên, nhưng với những gì đã diễn ra, giới chuyên môn có thể đưa ra nhận định sơ bộ.
Đúng là lực lượng được rải đều ở các nhóm môn Olympic, Asian Games và SEA Games, nhưng khi thu hẹp từng cấp độ lại, câu hỏi đặt ra là, thể thao Việt Nam có bao nhiêu vận động viên đạt đến trình độ châu Á và thế giới?
Hẳn nhiên đó sẽ là những cái tên được đầu tư có trọng điểm như Nguyễn Thị Oanh (Điền kinh), Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo, Nguyễn Huy Hoàng (Bơi)… nhưng ở các môn khác, thật khó để có VĐV đua tranh.
Nhìn từ những môn Olympic được đưa vào thi đấu tại SEA Games 32, tổng số 65 Huy chương Vàng - Bơi 7, Điền kinh 12, Duathlon 1, Triathlon 1, Thể dục dụng cụ 4, Bóng rổ 1, Golf 1, Đua xe đạp 1, Taekwondo 5, Đấu kiếm 4, Cử tạ 4, Judo 8, Boxing 2, Bóng bàn 1, Vật 13 - có thể là niềm vui về con số, nhưng chỉ cần nâng lên trình độ châu Á thôi, các chỉ số đã rất khác.
Với bản thân các vận động viên, các môn võ hay một vài môn mang tính kĩ thuật cá nhân còn có thể phần nào đó cạnh tranh ở đấu trường ASIAD và chút hi vọng tại Olympic, chứ những môn đòi hỏi tốc độ, sức bền vẫn là điều gì đó quá sức.
Thể thao Việt Nam đang có nhóm những vận động viên tài năng nhưng bản thân họ, thành tích cũng có phần sa sút ở SEA Games vừa qua - như Huy Hoàng chẳng hạn. Lịch thi đấu là vấn đề khách quan, yếu tố chủ quan là thể thao Việt Nam không có nhiều hơn 1 Huy Hoàng để có thêm cơ hội cạnh tranh ở các nội dung.
Tương tự như vậy, Nguyễn Thị Oanh quá xuất sắc với 4 Huy chương Vàng ở 4 cự li chạy dài nhưng điều đó không thể kéo dài mãi. Và đến đẳng cấp châu Á hay thế giới sẽ gần như không có chuyện đó…
Nên nhớ, Thái Lan xếp thứ hai toàn đoàn nhưng vẫn về nhất ở Điền kinh. Cũng như vậy, Singapore chỉ xếp hạng 6 chung cuộc nhưng giành đến 22 Huy chương Vàng môn Bơi - gấp 3 lần của Việt Nam…
Như Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, ông Đặng Hà Việt, đánh giá “SEA Games là nhiệm vụ quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất với thể thao Việt Nam”, thì hẳn nhiên, sẽ còn nhiều việc phải làm để hướng đến ASIAD và Olympic…