Chỉ còn 1 ngày nữa, ASIAD 19 sẽ khép lại. Tính đến thời điểm hiện tại, Đoàn thể thao Việt Nam giành được 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 19 huy chương đồng.
Đánh giá công tác chuyên môn và thành tích của thể thao Việt Nam, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt - Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 19 - cho hay: "Về chỉ tiêu, chúng ta đã đạt trên 50% đặt ra ở mức tối đa (từ 2-5 huy chương vàng). Tuy nhiên, vẫn còn một số điều khiến chúng ta tiếc nuối.
Đầu tiên là môn xe đạp của Nguyễn Thị Thật. Bạn ấy gặp chấn thương và chỉ trở lại tập lại trước ASIAD 1 tháng, dù rất cố gắng nhưng không đạt thành tích cao.
Tiếp đến là môn boxing, chúng ta kì vọng lớn ở Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh. Trong đó, Tâm gặp chấn thương nên thi đấu không được mong muốn.
Sau đó là bắn súng, thực sự rất trông chờ vào Hà Minh Thành, Trịnh Thu Vinh, nhưng luật thi đấu có nhiều thay đổi cũng ảnh hưởng tâm lý của vận động viên...".
Ông Đặng Hà Việt nói thêm: "Đánh giá tổng thể, thể thao Việt Nam là thế lực ở Đông Nam Á với thành tích tốt tại SEA Games 31, 32. Đến hiện tại, thành tích ở ASIAD 19 có những hạn chế so với khu vực. Điều này đã được dự đoán trước nên chỉ đặt mục tiêu từ 2-5 huy chương vàng. Ngoài ra còn bởi nhiều vấn đề khác như bốc thăm, thi đấu, bản lĩnh vận động viên…
Trong kế hoạch phát triển thể thao, không phải ngày 1 ngày 2 là sẽ có nhà vô địch ASIAD, Olympic. Cần có hệ thống bài bản từ công tác giáo dục thể chất, môn nào xác định là trọng điểm Olympic thì phải có hệ thống tuyển chọn ở 63 tỉnh thành và gần như ở tất cả trường học để chọn lựa được nhiều vận động viên tài năng.
Ví dụ, cầu mây chỉ có nhóm nhỏ, một số nơi đầu tư không có hệ thống từ tiểu học đến đại học nên không thể gọi đó là quá trình đầu tư trọng điểm được. Đầu tư nằm ở việc thuê chuyên gia, đưa đội đi tập huấn, thi đấu. Việc tập huấn, thi đấu giúp vận động viên nâng cao trình độ dù họ có thể không phải là những người tốt nhất, tài nhất".
Theo Cục trưởng Cục Thể dục thể thao, hoạt động tuyển chọn vận động viên được xem như "đãi cát tìm vàng", nếu "đãi cát" ở 63 tỉnh thành, ở các cấp học… thì sẽ chọn đc nhiều vận động viên.
Ngoài ra, xu thế của thể thao thành tích cao hiện tại cũng là 1 vấn đề khá bất lợi cho các nước Đông Nam Á, khi những hạng cân nhỏ bị đưa ra khỏi Olympic.
"Trước đây, chúng ta rất trông chờ vào hạng cân 56kg để giành huy chương ASIAD, Olympic. Tuy nhiên, hạng cân này bị đưa ra khỏi Olympic. Tiếp theo là rowing, chúng ta đầu tư nhiều cho môn này nhưng ASIAD 19 lại không có nội dung thuyền nhẹ, cắt giảm ở Olympic. Còn ở nội dung thuyền nặng, vận động viên Việt Nam đều thấp bé nhẹ cân.
Một số môn khác như bóng chuyền, bóng rổ, boxing… đều yêu cầu cao về chiều cao. Đề án phát triển chiều cao trung bình của người Việt Nam đã có, nhưng chưa có sự phối hợp tốt từ giao dục, y tế, thể thao để cải thiện.
Chính vì vậy, trong công tác tuyển chọn còn nhiều khó khăn. Điều này được thấy rõ ở bóng đá nữ. Các lứa bóng đá nữ Việt Nam chưa có chiều cao lí tưởng", ông Việt nhấn mạnh.
Sau ASIAD 19, thể thao Việt Nam cần nhìn lại để đưa ra những kế hoạch cụ thể và chi tiết hơn, đồng thời cần một cú hích để phát triển trong thời gian tới.