Tại Hội nghị Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 (21.12), Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, bài toán phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam cần phải có lộ trình từng bước, nguồn lực tổ chức, phải nghiêm túc nhìn lại bài học thực tiễn.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Qua theo dõi ý kiến, đọc báo cáo thì nhìn chung đều đồng tình với 6 nhóm nhiệm vụ mà ngành thể thao Việt Nam xây dựng. Khi đề ra định hướng, đề án, chúng tôi đã tranh thủ lấy ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, từ thực tiễn từ SEA Games đến ASIAD.
Chúng ta thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm. Y kiến của đại biểu tạo thêm điểm nhấn, là những phê bình quý báu để thể thao Việt Nam hoàn thiện hơn.
Thể thao Việt Nam có nguồn lực. Vấn đề là chúng ta sử dụng như thế nào, tập huấn, đào tạo trong nước bao nhiêu,... Vấn đề lựa chọn môn thể thao trọng tâm, trọng điểm là nhiệm vụ cần phải có.
Qua đây, tôi nghề nghị những người làm công tác thể thao trong cả nước nghiêm túc nhìn nhận để có quyết tâm, động lực làm tốt hơn".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói thêm: "Chúng ta phải đơn giản hoá công việc, giảm lý thuyết và bắt tay vào hành động. Nếu không thay đổi nhận thức thì không bao giờ tiến bộ. Bản thân tôi không chấp nhận điều đó.
Ngay lúc này, phải tập trung chấn chỉnh công tác đào tạo, tính toán từ cấp tỉnh, ngành đến hình thành đội tuyển. Trong đó, chú ý quy trình tuyển chọn đào tạo mang tính hệ thống, bố trí điểm tập huấn tập luyện. Đây là yếu tố nền tảng, nếu không có nền tảng thì ước mơ Olympic chỉ là khát vọng thôi".
Để làm được những điều này, Bộ trưởng yêu cầu ngành thể thao cần tập trung rà soát cơ sở vật chất, xác định thế mạnh của từng trung tâm, tỉnh để bố trí đội tuyển phù hợp.
"Lần này phải đầu tư có trọng điểm, trước mắt là đầu tư cho các môn Olympic. Thể thao Việt Nam phải chọn ra danh mục thể thao trọng điểm, từ đó tính toán đầu tư cho các vận động viên trọng điểm theo hướng từ sớm, từ xa, không được dàn trải và tính toán đến khả năng tranh chấp huy chương. Đây là giải pháp có tính chất đột phá.
Xác định có 9 bộ môn trọng điểm là điền kinh, bơi, bắn súng, thể dục dụng cụ, cử tạ, đua thuyền, xe đạp, bắn cung, cầu lông và các nội dung hạng cân nhỏ ở môn đối kháng như taekwondo, boxing.
Trong 9 bộ môn đó phải lựa chọn, xây dựng được danh sách vận động viên, cơ sở nào đào tạo, huấn luyện viên đào tạo,... Chúng ta không thiếu nhân tài, có thể mời chuyên gia quốc tế...", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc hợp tác quốc tế, mở rộng các mối quan hệ với các nền thể thao lớn trên thế giới như Hàn Quốc, Pháp,... để có thể tạo điều kiện cho vận động viên tập huấn nước ngoài, nâng cao trình độ,...