Có một "ao làng" đáng quên
Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) đã bước sang lần thứ 30 với hơn 60 năm được tổ chức. Thế nhưng giải đấu thể thao hàng đầu khu vực này vẫn chưa thoát hoàn toàn khỏi ám ảnh "ao làng".
Bởi lẽ, như một quy luật bất thành văn, cứ quốc gia nào đăng cai thì chắc chắn sẽ nhất toàn đoàn về số huy chương. Bởi lẽ, đoàn thể thao nước chủ nhà sẽ làm đủ mọi chiêu trò, từ chọn những môn thi đấu sở trường, những môn thể thao không phổ biến, gian lận trọng tài... vì căn bệnh thành tích.
Còn nhớ, tại SEA Games 2001 trên đất Malaysia, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam lúc đó là ông Hoàng Vĩnh Giang đã không khỏi bức xúc, thất vọng ngày bế mạc đại hội. Bởi những chiêu trò xấu bẩn của nước chủ nhà đã khiến nhiều vận động viên Việt Nam thua trong tức tưởi.
Chẳng nói đâu xa, năm 2011, kỳ SEA Games được tổ chức trên đất Indonesia, chủ nhà đã đưa cả môn đánh bài tây mà người Việt Nam vẫn gọi là "đánh phỏm" vào trong các nội dung thi đấu. Và không lạ khi nước chủ nhà đã "vơ vét" huy chương ở kỳ đại hội đó.
SEA Games 2019 xác lập kỷ lục lịch sử các kỳ Đại hội với 56 môn. Tuy nhiên, việc bỏ nhiều nội dung Olympic khiến cho sân chơi này khó thoát khỏi ám ảnh "ao làng". Cụ thể như các nội dung điền kinh được xem là thế mạnh của thể thao Việt Nam như nhảy xa nữ, nhảy cao nữ, đi bộ 20 km nam, nữ, 10.000 m nữ, 7 môn phối hợp nữ và marathon nữ bị cắt bỏ. Môn Wushu, 2 nội dung mà Thúy Vi có thế giành "vàng" là kiếm thuật, thương thuật cũng bị bỏ qua.
Trong khi đó các môn lạ như võ gậy Arnis, thể thao điện tử, bóng sàn, jujitsu, kickboxing, kurash, bóng gỗ trên cỏ... được đưa vào chương trinh đại hội.
Hướng đến một SEA Games văn minh
SEA Games 2015 tại Singapore từng được đánh giá là kỳ đại hội công bằng nhất lịch sử. Nước chủ nhà chỉ đưa 36 môn vào chương trình thi đấu, gồm chủ yếu là các môn Olympic, Singapore cũng không phải là đoàn giành nhiều huy chương vàng nhất.
Bên cạnh đó là công tác tổ chức được áp dụng những công nghệ tốt nhất và đảm bảo tính công bằng nhất. Đây là điều mà các quốc gia khác cần hướng đến. Nhiều hình ảnh đẹp đã được tôn vình tại kỳ SEA Games "fair play" đó.
Kết thúc SEA Games 2017, đoàn thể thao Việt Nam giành 58 huy chương vàng, con số này thấp hơn so với 73 huy chương vàng ở kỳ đại hội trước. Thế nhưng đó lại là kỳ đại hội thể thao thành công của chúng ta, khi các môn Olympic chiếm 90% số huy chương vàng.
Đặc biệt đó là năm đánh dấu bước tiến quan trọng của điền kinh Việt Nam khi đã vượt qua được Thái Lan. Theo thống kế, điền kinh là môn mang về nhiều huy chương vàng nhất với 17 chiếc , tiếp đó là bơi lội (10), Thể dục dụng cụ (5) và Karatedo (5)...
Dù SEA Games vẫn khó thoát khỏi đặc tính "ao làng", thế nhưng Việt Nam cũng đang từng bước thoát ra được bằng việc xác định tập trung cho các môn Olympic thay vì dàn trải trên diện rộng. Đó cũng chính là điều mà chúng ta hướng đến tại SEA Games 2021 diễn ra tại Việt Nam và Singapore là một hình mẫu để chúng ta học tập.
Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 2019 gồm 856 thành viên, tranh tài ở 43 trên tổng số 56 môn. Dù chỉ tiêu là hướng đến vị trí thứ 3 toàn đoàn nhưng mục tiêu lớn vẫn là tập trung các môn Olympic.