Sau thành công của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, thì câu lạc bộ Viettel-đương kim vô địch V.League sẽ tiếp tục hành trình ở AFC Champions League 2021, giải đấu cao nhất của các câu lạc bộ Châu Á và nhận được nhiều sự kì vọng. Nhưng đại diện của Việt Nam đã sớm dừng chân, sau 2 trận thua liên tiếp trước PG Pathum United, đội bóng của Thái Lan.
Viettel có “mặn mà”’ với AFC Champions League?
Việc cày ải từ V.League, tới đội tuyển Việt Nam và giờ là AFC Champions League dù có quãng nghỉ do dịch COVID-19 nhưng không thể phủ nhận việc các cầu thủ có dấu hiệu quá tải, đặc biệt là các tuyển thủ của Viettel. Thành ra họ luôn không có được đội hình mạnh nhất do những chấn thương và vấn đề về sức khỏe ở 4 trận đấu vừa qua tại AFC Champions League, bất chấp việc được chơi với 4 ngoại binh theo quy định của giải đấu.

Sau trận thua được xem là “tai nạn” với tỉ số 0-1 trước Ulsan Hyundai (Hàn Quốc) bởi bàn đốt lưới nhà của Thanh Bình, thì đại diện của Việt Nam kịp thời có chiến thắng 5-0 trước Kaya của Philippines để lấy lại tinh thần. Nhưng ngay sau đó là 2 trận thua liên tiếp trước PG Pathum United của Thái Lan dù Viettel được đánh giá là không hề thua kém đối thủ. Thậm chí 2 trận thua trước đội bóng Thái Lan này khiến Viettel nhận không ít chỉ trích bởi “không phải thua vì trình độ mà thua vì thái độ”. Đáng nói nhất chính là việc dẫn trước đối thủ nhưng lại để các chân sút PG Pathum United sút tung lưới 3 lần chỉ trong 8 phút.
Tại những sân chơi châu lục, các câu lạc bộ Việt Nam thường có cảm giác e ngại bởi nhiều vấn đề, từ chi phí di chuyển, tới lực lượng phải phân phối sức lực thêm cả giải quốc nội. Chính vì thế nhiều đại diện của Việt Nam không mấy mặn mà với sân chơi này khi không có tiềm lực về tài chính, thành ra tạo áp lực khiến các đội bóng "khó" tiến sau ở những sân chơi châu lục.
Bóng đá Việt Nam liệu có hơn Thái Lan?
Một điểm chung thú vị giữa Viettel-đại diện của Việt Nam và PG Pathum United đó là họ đều sở hữu 5 tuyển thủ quốc gia trong đội hình. Với PG Pathum United đó là thủ môn Chatchai Budprom, hậu vệ Ernesto Phumipha, tiền vệ Sarach Yooyen, Thitiphan Puangchan, Sumanya Purisai.
Cả 2 đội bóng đều phụ thuộc vào các chân sút ngoại ở sân chơi AFC Champions League, nhưng khả năng săn bàn của đội bóng Thái Lan đa dạng hơn khi có tới 4 chân sút nội lập công, mang về 5/9 bàn thắng mà họ ghi được sau 4 trận đấu. Với Viettel thì Hoàng Đức, Minh Tuấn và Tiến Dũng là 3 chân sút nội đã lập công ở sân chơi này. Điều này đồng nghĩa với việc, trình độ của cầu thủ Thái Lan ở sân chơi AFC Champions League cũng không hề thua kém những ngoại binh chất lượng.

Trước đó, những cái tên đình đám của bóng đá Thái Lan như Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan hay thậm chí Teerasil Dangda đang chơi cho PG Pathum United cũng từ sân chơi AFC Champions League mà có thể tạo được dấu ấn để có bàn đạp đến Nhật Bản chơi bóng. Trong khi đó chưa một cầu thủ Việt Nam nào để lại được dấu ấn ở sân chơi này.
Mỗi câu lạc bộ được xem là lực lượng nòng cốt của đội tuyển quốc gia. Khi câu lạc bộ mạnh thì mới có thể phản ánh được thực lực của cả nền bóng đá. Nên nhớ, 4 câu lạc bộ đang sở hữu thành tích vô địch AFC Champions League nhiều nhất (2 lần) đều đến từ những quốc gia đã nhiều lần dự World Cup, nên thực lực của họ là không cần bàn cãi.
Bóng đá Việt Nam thời gian qua luôn tự hào là đã vượt qua người Thái, nhưng nên nhớ, 3 lần đối đầu gần đây nhất, Việt Nam là Thái Lan đều bất phân thắng bại. Nhưng câu lạc bộ Thái Lan mới đây đã vượt qua nhà vô địch Việt Nam, điều này liệu có đáng để nhìn nhận lại vấn đề đã nêu.