Theo Sở VH-TT Quảng Ninh, hiện Công ty CP kiến tạo thành công và hạnh phúc Ohsho đang phối hợp với Sở này xây dựng Đề án tái thiết lập Đội bóng đá nam Than Quảng Ninh để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Nguồn vốn để nuôi đội bóng sẽ chủ yếu là nguồn vốn xã hội hóa, nhưng phương án sẽ bền vững hơn, tránh tình trạng “ăn đong” như thời gian qua.
Nếu Đề án được thông qua, đội bóng đá nam Than Quảng Ninh sẽ trở lại trên bàn đồ bóng đá Việt Nam, bắt đầu ở sân chơi thấp nhất.

Trước đó, kinh phí nuôi CLB bóng đá nam Than Quảng Ninh chủ yếu từ các nguồn, trong đó có: Công ty CP khai thác khoáng sản vàng Hà Giang – đơn vị quản lý CLB, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (30-35 tỉ/năm), Tổng Công ty Đông Bắc (1-5 tỉ/năm).
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh còn đầu tư hàng trăm tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp sân vận động; đặt hàng cho Công ty CP khai thác khoáng sản vàng Hà Giang đào tạo bóng đá trẻ từ U11 đến U17 với kinh phí trung bình 20 tỉ đồng/năm.
Ước tính, để duy trì CLB, mỗi năm cần từ 70-80 tỉ đồng.
Tuy nhiên, năm 2021, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam ngừng tài trợ thông qua quảng cáo cho đội bóng, Công ty CP khai thác khoáng sản vàng Hà Giang không có đủ kinh phí để vận hành đội bóng.
Một loạt các cầu thủ xin đi với những khoản lương, thưởng, lót tay cho đến giờ vẫn chưa được thanh toán.
Nhiều cầu thủ không tìm được tìm được bến đỗ mới, phải chuyển nghề, trong đó một số cầu thủ đi làm shipper, buôn bán hải sản, làm công nhân…
Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm các nhà tài trợ bất thành, cuối cùng, đội bóng đất Mỏ đã phải rời bỏ Giải bóng đá vô địch quốc gia V-Leaguge.
Các CĐV Quảng Ninh lấy làm tiếc trước việc đội bóng có truyền thống, là niềm tự hào của người dân, công nhân vùng Mỏ phải dừng cuộc chơi chỉ vì thiếu kinh phí, trong khi Quảng Ninh lại là một trong những tỉnh, thành có điều kiện kinh tế khá nhất cả nước.
Nhiều CĐV có tâm thư gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xin hãy cứu đội bóng, lấy lại “món ăn tinh thần” cho người dân Quảng Ninh.