Nghĩa Dũng Karate-Do - tinh hoa Nhật Bản và lễ giáo xứ Thần kinh

Bài: Thanh Hòa - ảnh: Tư liệu |

Cố đô Huế là nơi phát tích cũng như quy tụ nhiều dòng võ cổ truyền nổi tiếng như Bạch Hổ, Võ Kinh Vạn An, Nga My, Hầu Quyền, Thiếu Lâm Nam Sơn... nhưng ít ai biết Huế cũng là cái nôi của môn võ Karate-Do ở Việt Nam.

Sau khi chọn Huế làm nơi truyền bá môn võ Karate-Do vào Việt Nam, Chưởng môn Suzuki Choji đã đào luyện được không ít cao đồ, nhiều người trong số họ sau này đã làm rạng danh môn phái trên đấu trường trong nước và quốc tế như võ sư Nguyễn Nhuận, Khương Công Thêm, Hạ Quốc Uy, Hoàng Như Bôn, Lê Văn Thạnh, Nguyễn Văn Dũng... Trong đó võ sư huyền đai đệ thất đẳng Nguyễn Văn Dũng, nguyên Trưởng tràng đời thứ 13 (1995-2006) hệ phái Suzucho Karate-Do và cũng là người con xứ Huế, đã khởi lập nên Nghĩa Dũng Karate-Do phát triển rộng khắp cả nước với hàng vạn môn sinh, hàng trăm võ đường trong nước và 6 võ đường ở nước ngoài.

Lễ khai giảng khóa tập của Nghĩa Dũng Karate-Do ở Huế. Ảnh: Tư liệu
Lễ khai giảng khóa tập của Nghĩa Dũng Karate-Do ở Huế. Ảnh: Tư liệu

Thừa kế tinh hoa, trung thành với truyền thống

Võ sư Nguyễn Văn Dũng kể rằng, con đường đến với võ thuật của ông kể cũng buồn cười. Số là vào năm 1963, nhân một lần bênh vực thầy mình bị người khác đánh nên ông cũng bị đánh trọng thương. Vì chuyện này ông thề sẽ đi học võ để trả thù. Sau này khi đã thành tài ông mới ngộ ra rằng trả thù là việc làm hạ cấp, chỉ có lòng bao dung mới khiến cho kẻ thù khiếp sợ. Về sau triết lý ấy cũng được ông truyền dạy cho mọi học trò của mình.

Lúc đầu ông học võ cổ truyền với bạn, mãi đến năm 1967, ông mới chuyển sang thọ giáo Karate từ võ sư Suzuki Choji, sáng tổ hệ phái Suzucho Karate-Do, một trong những người đầu tiên đem môn Karate truyền bá vào Việt Nam. Sau 5 năm nhập môn ông trở thành một trong những huấn luyện viên của võ đường số 8 Võ Tánh - Huế (nay là 8 Nguyễn Chí Thanh - Huế).

Giải Nghĩa Dũng Karate-Do mở rộng lần thứ III, năm 2019. Ảnh: Tư liệu
Giải Nghĩa Dũng Karate-Do mở rộng lần thứ III, năm 2019. Ảnh: Tư liệu

Cuộc đời và triết lí võ đạo của võ sư Nguyễn Văn Dũng ảnh hưởng rất nhiều từ người thầy của mình, võ sư sáng tổ Suzuki Choji. Những năm theo thầy, ông học được đức tính bao dung, yêu thương nhưng cực nghiêm khắc của thầy.

Từ cái nôi số 8 Võ Tánh, hệ phái Suzucho Karate-Do phát triển rộng khắp, dẫn đến việc hình thành nhiều Chi phái và Phân đường khác nhau trên cả nước. Năm 1978 võ sư Suzuki Choji cùng gia đình hồi hương trở về Nhật Bản. Cũng năm ấy, được sự cho phép của thầy, võ sư Nguyễn Văn Dũng đã thành lập Nghĩa Dũng Karate-Do. Đây là một trong những phân đường lớn của hệ phái Suzucho Karate-Do, võ đường trung tâm đặt tại tư gia của ông, một căn nhà nhỏ bình yên ở số 8 đường Trương Định, cách bờ Nam con sông Hương thơ mộng của xứ Huế một quãng không xa.

Võ sư Nguyễn Văn Dũng trong chuyến thiện nguyện tặng áo ấm cho học sinh vùng cao Tây Bắc. Ảnh: Tư liệu
Võ sư Nguyễn Văn Dũng trong chuyến thiện nguyện tặng áo ấm cho học sinh vùng cao Tây Bắc. Ảnh: Tư liệu

Karate-Do là môn võ thuật truyền thống của Nhật Bản, mục đích chính là đào luyện thể chất và tinh thần. Cuối thập niên 1950, trong xu thế giao lưu và phát triển, một khuynh hướng mới được hình thành là khuynh hướng thể thao hoá Karate-Do, mà biểu hiện rõ nhất là chấp nhận thi đấu và tổ chức các giải đấu cấp vùng, quốc gia, và quốc tế. Sau những tranh cãi quyết liệt, cuối cùng khuynh hướng mới thắng thế, góp phần giúp Karate-Do phát triển phổ cập đến nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, còn nhiều võ sư, trong đó có Tổ sư Funakoshi Gichin vẫn kiên định quan điểm truyền thống của mình. Vì thế từ đây Karate-Do thế giới phân thành hai trường phái chính là Karate-Do truyền thống và Karate-Do thể thao.

Võ sư huyền đai đệ thất đẳng Nguyễn Dũng Chinh, người kế nghiệp cha chèo lái con thuyền Nghĩa Dũng Karate-Do. Ảnh: Tư liệu
Võ sư huyền đai đệ thất đẳng Nguyễn Dũng Chinh, người kế nghiệp cha chèo lái con thuyền Nghĩa Dũng Karate-Do. Ảnh: Tư liệu

Sau này, khi du nhập môn Karate-Do vào Việt Nam, võ sư Suzuki Choji cũng kế thừa tinh thần của Tổ sư Funakoshi Gichin, thủy chung đi theo con đường Karate-Do truyền thống. Ông rất ghét những kẻ dùng võ đánh người. Ông nghiêm cấm tuyệt đối các học trò không được giao thủ với người khác phái, không được thượng đài tranh thắng thua...

Toàn bộ hệ thống triết học của Hệ phái Suzucho Karate-Do được ngầm chứa trong 9 bài quyền đặc dị, gồm 6 bài YEN và 3 bài MAKI. Số 9 biểu hiện khát vọng không ngừng vươn tới sự hoàn thiện hoàn mĩ, cũng là biểu hiện sự vận hành của Dịch lý. Trong đó YEN là đồng tiền, biểu tượng của sự giàu có, phong phú. Quá trình tập luyện Karate-Do là quá trình tự thăng hoa mình. Là quá trình hun đúc cho mình một cái tâm tràn đầy như nước, một cái thần trong sáng như trăng, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển; một cái đức nhân ái, công bằng và cao thượng; một tri thức thấu đáo mọi lẽ; một cốt cách ung dung, trầm tĩnh, đĩnh đạt. Còn MAKI là cuộn, quyền, là quyền lực. Quá trình tập luyện Karate-Do còn là quá trình hun đúc cho mình sức mạnh, bản lĩnh, quyền năng để vượt thắng những tác động của thiên nhiên: Gió mưa, nóng lạnh, bệnh tật; những cám dỗ của trần thế: sắc đẹp, tiền tài, danh vọng; và nỗi sợ hãi trước lẽ thành bại, được mất, sống chết của kiếp người.

Võ sư Nguyễn Văn Dũng trao kiếm và quyền quản lí Nghĩa Dũng Karate-Do cho người con trai của mình là võ sư Nguyễn Dũng Chinh. Ảnh: Tư liệu
Võ sư Nguyễn Văn Dũng trao kiếm và quyền quản lí Nghĩa Dũng Karate-Do cho người con trai của mình là võ sư Nguyễn Dũng Chinh. Ảnh: Tư liệu

Tháng 12.1987, “Hội nghị hội thảo toàn quốc về Karate” lần đầu tiên tổ chức tại Huế, đánh dấu bước đầu Hệ phái Suzucho Karate-Do tiếp cận nền Karate-Do quốc tế hiện đại. Đặc biệt, tháng 7.1989, tại Hà Nội, sau đợt tập huấn với chuyên gia của Hiệp hội Karate-Do Nhật Bản, Hệ phái Suzucho Karate-Do đứng trước sự lựa chọn giữa hai con đường là: Võ đạo truyền thống của thầy Chưởng môn Suzuki Choji và xu thế thể thao hoá của thời đại. Trong lúc hầu hết cao đồ của thầy Suzuki Choji hoà theo khuynh hướng thể thao hoá môn võ Karate-Do truyền thống, thì võ sư Nguyễn Văn Dũng cuối cùng vẫn kiên định con đường của thầy mình, đó là: Duy trì truyền thống, kết hợp với tinh hoa của Karate quốc tế hiện đại. Coi trọng kỹ thuật căn bản, quyền pháp, kỹ năng tự vệ, rèn luyện sức khoẻ, và tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Tuy chương trình đào luyện có nội dung thi đấu, nhưng không vì mục đích tranh giành huy chương mà coi thi đấu là phương thức để giao lưu, học hỏi, kiểm tra mình, thể hiện mình, và phát hiện tài năng Karate cho thể thao nước nhà. Đó là nét đặc trưng cơ bản của Phân đường Nghĩa Dũng Karate-Do.

Võ sư Nguyễn Dũng Chinh phổ biến môn quy với các võ sinh phân đường Nghĩa Dũng Karate-Do Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa
Võ sư Nguyễn Dũng Chinh phổ biến môn quy với các võ sinh phân đường Nghĩa Dũng Karate-Do Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa

Luận về võ học, võ sư Nguyễn Văn Dũng đã từng viết trong tập bút ký “Trò chuyện với Lý Tiểu Long” như sau: “Võ thuật cũng giống như bất cứ môn nghệ thuật nào khác, không phải thêm thắt, màu mè, huê dạng mà chính là đẽo gọt cho tinh xảo. Trước đối thủ, điều cần nhất là không để bị trói buộc bởi hệ thống chiêu thức nào, không để bất cứ tác động ngoại cảnh nào chi phối cảm thức ta. Trong trạng thái an tĩnh, tự tại đó mà phản ứng tức thời, tự nhiên sẽ tuôn ra, nhanh như điện chớp, lưu loát như nước chảy mây trôi”. Đó cũng chính là tinh hoa của kỹ thuật Karate-Do mà ông đã theo đuổi gần suốt cả cuộc đời.

Truyền võ đạo bằng văn hóa và lễ giáo của xứ Thần kinh

Trước 1975, võ sư Nguyễn Văn Dũng vốn xuất thân là một giáo sư Văn khoa giảng dạy tại nhiều trường ở Huế, trong đó có ngôi trường Quốc Học nổi tiếng. Bản thân ông vốn cũng là người con xứ Huế nên con người ông luôn toát lên nét tài hoa, tao nhã xen lẫn phong thái từ tốn, khiêm nhã, nhẹ nhàng và nền nếp, gia phong của người Cố đô. Vì lẽ đó ông được nhiều đồng nghiệp cả trong và ngoài giới võ yêu quý, đánh giá là người “văn võ toàn tài”.

Ngoài đam mê võ thuật, võ sư Nguyễn Văn Dũng còn nổi tiếng là người viết hay và viết khỏe. Ngoài gần chục cuốn sách viết về kĩ thuật Karate-Do, ông còn xuất bản nhiều tác phẩm văn chương, trong đó đáng chú ý có những cuốn như: Linh Sơn mây trắng, Đi tìm ngọn núi thiêng, Lời tự tình của một dòng sông, Tâm thức của núi... Mỗi cuốn sách ông viết ra là những lời gửi gắm tâm tư, suy nghĩ với tấm lòng mong mỏi giáo dục con người sống cao thượng, thẳng thắn, bao dung và có trách nhiệm hơn với cộng đồng và xã hội. Vì vậy, ông từng tâm sự: “Tôi viết văn không phải để trở thành nhà văn, mà để chuyển tải thông điệp về "Đạo" - đạo làm người”.

Kế thừa những tinh hoa truyền thống võ học Nhật Bản từ người thầy cùng với nếp văn hóa, lễ giáo truyền thống của người Huế luôn khắc sâu trong lối sống, võ sư Nguyễn Văn Dũng đã xây dựng nên một nền nếp, hay nói đúng hơn là một triết lí rất riêng cho con đường võ nghiệp của mình. Đó là truyền thống văn hay - võ giỏi, đoàn kết yêu thương, sống nhân ái biết sẻ chia, hòa nhập với thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Những giờ lên võ đường, ông không chỉ dạy cho đệ tử những kĩ thuật võ học mà còn truyền dạy cho họ nhân cách sống, nhân cách làm người trong xã hội. Vì vậy không phải ngẫu nhiên ông chọn ngọn núi thiêng Bạch Mã, một ngọn núi thể hiện khí phách hiên ngang, kì vĩ nhưng cũng đẹp lãng mạn như chú ngựa trắng đang tung bờm xoải vó hướng ra đại dương xanh bao la tìm về với thế giới chân - thiện mĩ, để làm biểu tượng cho võ đường và cũng làm nơi đào luyện thực thế cho mọi võ sinh sau những kì thi thăng hạng.

Nhân cách và nền nếp gia phong của võ sư Nguyễn Văn Dũng đã tạo nên một ngôi nhà lớn mang tên “Nghĩa Dũng Karate-Do”. Ở đó các võ sinh sống yêu thương, đoàn kết, được đào luyện thành những con người vừa có dũng khí của con nhà võ vừa tình có nghĩa với sư môn, huynh đệ... Nhiều học trò của ông khi bước ra khỏi võ đường đã trở thành những người có ích cho xã hội, dù ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. Có thể kể đến những cái tên như: GS.TS Nguyễn Văn Hiệp (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam), PGS.TS Lê Đình Khánh (Phó Chủ tịch Hội Tiết niệu thận học), TS võ sư Dương Mạnh Thắng (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng), nhà báo Lê Thanh Phong, nhà báo Lê Đức Dục, ca sĩ Thái Hòa...

Ngay trong gia đình, năm người con của ông (hai trai, ba gái) tất cả đều luyện võ từ nhỏ. Những quy định trong môn quy của võ đường và của hệ phái họ luôn phải là người chấp hành nghiêm túc nhất, nếu vi phạm thì bị cha xử phạt nặng nhất. Con nhà võ nhưng không vì chuyện võ mà xao nhãng việc học hành, cả năm người con của ông giờ đều đã trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống.

Sau hơn 50 năm bôn ba theo nghiệp võ, ở cái tuổi 80 sau khi đã tạo dựng một sự nghiệp lớn lao, sáng ngày 4.8.2019, tại tổ đường của Nghĩa Dũng Karate-Do (số 8 Trương Định - Huế), võ sư Nguyễn Văn Dũng đã làm lễ trao kiếm và trao quyền điều hành võ đường cho người con trai trưởng là võ sư Nguyễn Dũng Chinh cùng với lời dặn dò thấm đẫm tình cha con, nghĩa thầy trò: “Trước mặt con đoạn đường có gập ghềnh mình cũng không sợ, kẻ thù nếu có cũng không sợ, nhưng cái con phải sợ là sợ chính bản thân mình”. Ông cũng dạy con phải biến võ đường thành trường học, không vì bất cứ lý do gì để cho sự thương mại hóa có chỗ đứng ở Nghĩa Dũng Karate-Do.

Nhận lệnh chuyển giao từ người cha và cũng chính là người thầy của mình, võ sư Nguyễn Dũng Chinh xúc động nghẹn ngào nguyện sẽ cùng các anh em huynh đệ đoàn kết, kề vai sát cánh giữ vững những di sản to lớn mà cha để lại, để con thuyền Nghĩa Dũng Karate-Do tiếp tục tỏa sáng, sánh vai với các hệ phái Karate trên thế giới.

Ngày “rửa tay gác kiếm”, võ sư Nguyễn Văn Dũng mang trên mình chiếc đai trắng, chiếc đai của một võ sinh mới chập chững bước vào nghề với tâm thế của một người đã hoàn thành sứ mệnh và cao cả hơn nữa là ý niệm về lẽ sống mà ông muốn truyền lại cho các môn đồ. Đó là không có gì sẽ tồn tại mãi mãi, sự kết thúc bao giờ cũng mở ra một triển vọng mới, và chỉ có sự khởi đầu và ý chí mới đem lại niềm tin và hi vọng ở tương lai.

Nói về võ sư Nguyễn Văn Dũng và Nghĩa Dũng Karate-Do, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, từng nhận xét rằng: “Triết lý riêng trong rèn luyện môn sinh bằng kỹ thuật tinh hoa Karate song hành với giáo dục phong cách của võ đường Nghĩa Dũng hoàn toàn xa lạ với quan niệm dạy võ để đấm đá hoặc chạy theo những hư danh trên võ đài”. Đó chính là hồn cốt, là tinh thần của Nghĩa Dũng Karate-Do, một hệ phái được hun đúc từ tinh hoa, kỹ thuật, ý chí của người Nhật cùng với tấm lòng bao dung, nhân hậu và coi trọng lễ giáo của người xứ Huế.

Bài: Thanh Hòa - ảnh: Tư liệu
TIN LIÊN QUAN

Võ sinh đại chiến: Mãn nhãn võ thuật, điểm sáng phim Việt đầu năm

Linh Chi |

Là một trong những phim Việt ra rạp dịp đầu năm, phim "Võ Sinh Đại Chiến" mang đến những màn võ thuật mãn nhãn và nguồn năng lượng lạc quan, tích cực.

Sao võ thuật Hoa ngữ Lý Liên Kiệt, Thành Long từng thất bại ê chề ra sao?

ĐÔNG DU |

Là hai ngôi sao vươn tầm Hollywood nhưng Lý Liên Kiệt, Thành Long cũng không ít lần nếm trái đắng trong sự nghiệp. Đó là những lần nào?

Tinh hoa võ thuật: Thảo Ô - Võ khí lợi hại giữa đời thường

Nhật Vũ - Tạ Quang |

Dù (ô) là vật che nắng mưa khi đi đường, gặp khi bất trắc nó trở thành vũ khí lợi hại. Võ Dù có thể đâm kẻ địch bằng mũi như một ngọn giáo ngắn; có thể quật, đập, đả như côn; lại có thể vận dụng kỹ pháp của xà trượng móc cổ giật cho kẻ địch té nhào. Hãy cũng Tinh hoa võ thuật chiêm ngưỡng bài quyền này.

Tinh hoa võ thuật: Bát quái đao - Nguyên soái của trăm quân

Nhật Vũ - Tạ Quang |

Đại đao (Bát quái đao) được suy tôn là “bách quân chi nguyên soái”, có nghĩa là nguyên soái của trăm quân. Đao pháp chủ yếu có chém, bổ, miết, khều, xoay, gác, kéo, đẩy … Các loại đao pháp đều vận dụng rõ ràng ở lưỡi đao nên gọi là “đại đao xem lưỡi”. Khi thi triển đại đao, một chiêu, một thức bổ mạnh, chém rộng, một động, một tĩnh uy vũ đường đường.

Tinh hoa võ thuật: Thiết phiến - Sát thủ mang vẻ ngoài mềm mại

Nhật Vũ - Tạ Quang |

Tuy có vẻ ngoài mềm mại, nữ tính nhưng thiết phiến lại có sức sát thương rất cao. Quạt được ngụy trang như một chiếc quạt gấp bình thường nhưng thực tế bên trong lại là những thanh thép được mài sắc bén vô cùng. Chính vì vẻ bề ngoài mềm mại nên đối thủ thường ít đề phòng đến thiết phiến. Cũng nhờ vậy mà khi ra đòn, người sử dụng thiết phiến sẽ gây cho đối thủ nhiều bất ngờ với những lưỡi dao sắc nhọn sẵn sàng lấy mạng đối phương. Hãy cũng Tinh hoa võ thuật chiêm ngưỡng bài quyền này.

Tinh hoa võ thuật: Lăn khiên Đoản đao - Công thủ toàn diện

Nhật Vũ - Tạ Quang |

Lăn khiên là một loại vũ khí đôi bao gồm khiên và một loại vũ khí khác, được sử dụng như một tấm chắn, che tên đạn từ xa hoặc dùng để đỡ gạt đòn đâm, chém từ đao thương kiếm khi đánh giáp lá cà; Tay còn lại sử dụng một loại vũ khí khác có tính sát thương cao để tấn công kẻ địch. Hãy cũng Tinh hoa võ thuật chiêm ngưỡng bài quyền này.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Võ sinh đại chiến: Mãn nhãn võ thuật, điểm sáng phim Việt đầu năm

Linh Chi |

Là một trong những phim Việt ra rạp dịp đầu năm, phim "Võ Sinh Đại Chiến" mang đến những màn võ thuật mãn nhãn và nguồn năng lượng lạc quan, tích cực.

Sao võ thuật Hoa ngữ Lý Liên Kiệt, Thành Long từng thất bại ê chề ra sao?

ĐÔNG DU |

Là hai ngôi sao vươn tầm Hollywood nhưng Lý Liên Kiệt, Thành Long cũng không ít lần nếm trái đắng trong sự nghiệp. Đó là những lần nào?

Tinh hoa võ thuật: Thảo Ô - Võ khí lợi hại giữa đời thường

Nhật Vũ - Tạ Quang |

Dù (ô) là vật che nắng mưa khi đi đường, gặp khi bất trắc nó trở thành vũ khí lợi hại. Võ Dù có thể đâm kẻ địch bằng mũi như một ngọn giáo ngắn; có thể quật, đập, đả như côn; lại có thể vận dụng kỹ pháp của xà trượng móc cổ giật cho kẻ địch té nhào. Hãy cũng Tinh hoa võ thuật chiêm ngưỡng bài quyền này.

Tinh hoa võ thuật: Bát quái đao - Nguyên soái của trăm quân

Nhật Vũ - Tạ Quang |

Đại đao (Bát quái đao) được suy tôn là “bách quân chi nguyên soái”, có nghĩa là nguyên soái của trăm quân. Đao pháp chủ yếu có chém, bổ, miết, khều, xoay, gác, kéo, đẩy … Các loại đao pháp đều vận dụng rõ ràng ở lưỡi đao nên gọi là “đại đao xem lưỡi”. Khi thi triển đại đao, một chiêu, một thức bổ mạnh, chém rộng, một động, một tĩnh uy vũ đường đường.

Tinh hoa võ thuật: Thiết phiến - Sát thủ mang vẻ ngoài mềm mại

Nhật Vũ - Tạ Quang |

Tuy có vẻ ngoài mềm mại, nữ tính nhưng thiết phiến lại có sức sát thương rất cao. Quạt được ngụy trang như một chiếc quạt gấp bình thường nhưng thực tế bên trong lại là những thanh thép được mài sắc bén vô cùng. Chính vì vẻ bề ngoài mềm mại nên đối thủ thường ít đề phòng đến thiết phiến. Cũng nhờ vậy mà khi ra đòn, người sử dụng thiết phiến sẽ gây cho đối thủ nhiều bất ngờ với những lưỡi dao sắc nhọn sẵn sàng lấy mạng đối phương. Hãy cũng Tinh hoa võ thuật chiêm ngưỡng bài quyền này.

Tinh hoa võ thuật: Lăn khiên Đoản đao - Công thủ toàn diện

Nhật Vũ - Tạ Quang |

Lăn khiên là một loại vũ khí đôi bao gồm khiên và một loại vũ khí khác, được sử dụng như một tấm chắn, che tên đạn từ xa hoặc dùng để đỡ gạt đòn đâm, chém từ đao thương kiếm khi đánh giáp lá cà; Tay còn lại sử dụng một loại vũ khí khác có tính sát thương cao để tấn công kẻ địch. Hãy cũng Tinh hoa võ thuật chiêm ngưỡng bài quyền này.