Những chiếc huy chương tiếp theo đến ở Bắc Kinh 2008, London 2012 và Rio 2016 - nơi đánh dấu tấm Huy chương Vàng lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh môn bắn súng. Thế nhưng, đà đi lên đó đã dừng lại ở Tokyo 2020, nơi 18 vận động viên tham dự đều gần như không thể tiệm cận đến vòng tranh huy chương (có môn rowing vào chung kết vì có vé đặc cách ở bán kết).
Ở đó, ngay cả cách thi đấu, thể hiện của những vận động viên trụ cột được diễn tả là hình ảnh đại diện cho nền thể thao đi xuống, đầu tư thiếu trọng điểm, xuyên suốt và tính liên tục. Sau kỳ Olympic “tay trắng” đó, đã có rất nhiều chuyên gia lên tiếng, rất nhiều bài học được nhắc đến khi rút kinh nghiệm, để hy vọng vào sự thay đổi mạnh mẽ.
Thế nhưng, 3 năm sau (Olympic Tokyo diễn ra vào năm 2021), thể thao Việt Nam lại chuẩn bị lên đường chỉ với tâm niệm “phấn đấu giành huy chương”. Với 16 vận động viên, có những người lần đầu tham dự, ngoài chuyện phấn đấu thì còn biết làm gì khác? Rõ ràng, phấn đấu khác với đặt ra mục tiêu. “Phấn đấu” ở dưới mức “mục tiêu”. “Mục tiêu” là thứ cụ thể - chẳng hạn như Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, trong khi “phấn đấu” mang tính định lượng vô hình, đến đâu hay đến đấy, không bắt buộc…
Đề cập vấn đề không phải để làm nản lòng các thành viên của đoàn thể thao Việt Nam, mà là giả sử, nếu trở về mà không có tấm huy chương nào, điều gì sẽ xảy ra? Sợi dây kinh nghiệm tiếp tục dài thêm nhưng quan trọng là hành động sau đó.
Ngoài việc đầu tư, phát triển lực lượng vận động viên, cũng nên nghiên cứu các môn thể thao khác ở Olympic, đặc biệt là các môn mang tính kỹ năng cá nhân - điều mà thể thao Việt Nam vốn có tiềm năng.