Làm điều bình thường bằng nỗ lực phi thường để vươn tới đỉnh cao

Thẩm Hồng Thụy (thực hiện) |

Nhân dịp đầu năm mới Tân Sửu 2021, Lao Động gặp gỡ một số kỷ lục gia. Những người bằng sự nỗ lực khổ luyện và nghị lực, ý chí đã mang về cho Việt Nam những kỷ lục đáng tự hào.

Trong những cuộc hành trình đi đến các kỷ lục, kỷ lục nào gắn với những câu chuyện, dấu ấn đáng nhớ và khó có thể quên?

- QUANG TRẦN: Đối với tôi, cuộc thi siêu marathon Spartathlon dài 246km là đáng nhớ nhất. Quãng đường đó không chỉ đòi hỏi thể lực cực tốt, sức bền, nghị lực và ý chí mà còn phải có khả năng chống chọi với sự cô độc và cơn đau. Có những lúc cạn kiệt sức lực nhưng vẫn phải bước, chân sưng đau không đi được cũng phải cố lết.

Vì nghĩ đây là cung đường chạy lịch sử và huyền thoại, mình lại là người Việt Nam đầu tiên tham gia giải siêu marathon này nên sẽ rất tự hào nếu hoàn thành cự li chạy, với mong muốn góp phần giúp cho thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn. Đó chính là động lực để tôi hoàn thành cự li chạy sau 31 giờ 10 phút 37 giây, xếp thứ 40 chung cuộc trong số 196 người hoàn thành cuộc đua và 376 người dự thi.

- BÙI VĂN NGỢI: Chuyến leo lên đỉnh Everest để lại ấn tượng nhiều nhất, lâu nhất và sâu đậm nhất. Bởi nó là ước mơ của cả đời. Chính vì vậy, khi chinh phục Everest, kỷ niệm chuyến đi chẳng bao giờ phai được. Mà đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn còn bị ám ảnh, nổi da gà.

Điều ám ảnh thứ nhất là khi tôi nhìn thấy các xác chết trên đường đi. Không phải tất cả người chết đều nằm, ngã, gãy. Mà có những người, khi đang ngồi nghỉ, bị hạ thân nhiệt và người bị hóa đá chết trong tư thế đang ngồi.

Thứ hai là những ngày chinh phục trên độ cao trên 8.000m, nước lấy ra uống thì đã đóng băng, rất khát. Không có gì để ăn, rất mệt, mệt đến mức 15-20 phút mới có thể nhấc chân đi được một bước. Tôi còn nhớ khi mệt quá mình phải bốc tuyết ăn. Theo phản xạ, tôi gạt lớp tuyết bẩn ở trên và thọc tay xuống dưới để lấy lớp tuyết sạch, thì tình cờ lại cầm phải cả cánh tay của ai đó đã vỡ ra rồi…

Bùi Văn Ngợi - người Việt Nam đầu tiên - đặt chân lên đỉnh Everest cao 8.848m. Ảnh: NVCC
Bùi Văn Ngợi - người Việt Nam đầu tiên - đặt chân lên đỉnh Everest cao 8.848m. Ảnh: NVCC

- PHAN THANH NHIÊN: Trong hành trình leo Everest, lúc gần lên đến đỉnh, tôi tưởng chừng mình đã có thể chết vì bị hết ôxy. Lúc cận kề cái chết, người không còn chút sức lực nào, ông Sherpa - người thuộc bộ tộc Sherpa chuyên hành nghề dẫn đường và khuân vác đồ lên đỉnh Everest - vác bình ôxy cho tôi bị sự cố lại chưa lên kịp. Lúc đó, tôi đã tháo dây an toàn, bò qua một hốc băng để ngồi chờ trong vô vọng.

Dọc đường lên đỉnh Everest, những người ngồi trong tư thế như vậy hầu hết là chết vì đông cứng trong tình huống hết ôxy. Tôi vừa ngồi được một chút thì phát hiện hai bên mình có xác chết. Ngay lúc đó, trong đêm tối, tôi suy nghĩ cuộc đời mình còn trẻ quá, chả lẽ kết thúc ở đây…

Thế là tôi bừng tỉnh, cố lấy hết sức, gồng mình tự đứng dậy. Nhưng đứng dậy không nổi, đập mặt ra đằng trước do chân tay bị cứng rồi. Tôi bật khóc, nhưng vẫn cố gắng lấy tay bóp bóp chân để nhấc từng bước chân đi. Cứ nghĩ cố đi được bước nào hay bước đó chứ không lẽ ngồi chờ chết ở đây…

Lúc đó, tôi lại thấy được những hình ảnh Quốc kỳ Việt Nam, rồi lại nhớ về lời hứa với gia đình là sẽ trở về. Thế là “máu” lên, lúc đó bắt đầu suy nghĩ về cách mình đi, cứ nhích từ từ, đi được một hồi, bắt đầu vào guồng, cơ thể ấm lại. Được một lúc lâu thì người đã tỉnh táo và trời đã sáng cho nên bình tĩnh hơn để xử lý tình huống. Tôi mượn được bình ôxy của một ông Sherpa khác và vượt qua được giờ phút giữa sống và chết đó.

Khi đã lên được tới đỉnh Everest rồi, tôi còn không nghĩ rằng mình có thể lên được. Nó không có chóp kim loại để mình xác định. Nó chỉ là một cái đỉnh tuyết và xung quanh không còn lối đi. Chỉ duy nhất đỉnh này có cờ ngũ sắc của Nepal và tùm lum đồ đạc lặt vặt người ta để lại. Thực ra, tôi cảm thấy mình lên tới đỉnh rồi mà không dám ăn mừng, vì e sợ là chưa chắc 100%. Cho nên, tôi phải chờ một hồi đoàn khác lên tới và hò hét um xùm, tôi mới biết chắc đó là đỉnh và ăn mừng theo.

Những lúc sức lực cạn kiệt, cơ thể không còn nghe lời, thời điểm ở giữa sống và chết, yếu tố quan trọng nào đã níu kéo các anh ở lại cõi nhân sinh, tiếp tục cuộc hành trình?

- PHAN THANH NHIÊN: Sau chuyến leo Everest, tôi mới hiểu, đầu tiên là phải thiết lập cho mình một nguyên tắc làm cái gì cũng không được bỏ cuộc.

Thứ hai là khi bị đẩy tới cùng cực, tới lúc đưa con người mình vào giới hạn, lâm vào trong một hoàn cảnh khó thì mình mới phát huy được, mới giỏi được. Ý chí đủ mạnh mới làm ra được việc vĩ đại. Như tình huống của tôi lúc đối mặt cái chết, nếu ý chí không mạnh, hầu như sẽ cầm chắc cái chết. Ý chí đủ mạnh mà sức lực cạn kiệt thì vẫn có thể giúp đi tiếp hành trình. Tóm lại là ý chí lôi sức mạnh đi theo.

- QUANG TRẦN: Chạy siêu marathon Spartathlon là một hành trình dài đòi hỏi sức bền và khả năng chống lại sự cô độc, chịu đựng nỗi đau khi đến một lúc nào đó chân cẳng, mình mẩy ê ẩm, đau nhức. Đó trước hết là cuộc chiến với chính bản thân mình. Những lúc sức cùng lực kiệt, cứ chạy được vài bước lại dừng đi bộ chứ không thể chạy tiếp dù chỉ là chạy chậm. Tình trạng này có thể kéo dài từ ngày hôm trước sang ngày hôm sau. Chính vì vậy, yếu tố thể lực, sức bền chỉ là điều kiện cần; ý chí, sự quyết tâm, kiên định không để tâm lý chán nản, từ bỏ chiến thắng bản thân mới là điều kiện đủ.

Quang Trần là người Việt Nam đầu tiên hoàn thành cự ly siêu marathon Spartathlon tại Hy Lạp. Ảnh: NVCC
Quang Trần là người Việt Nam đầu tiên hoàn thành cự ly siêu marathon Spartathlon tại Hy Lạp. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, đối với tôi, động lực lớn lao chính là niềm tự hào vì mình là người Việt Nam đầu tiên tham gia giải chạy siêu marathon 246km này. Việc hoàn thành cuộc thi sẽ ghi tên Việt Nam lên bản đồ các giải chạy siêu marathon trên thế giới.

- BÙI VĂN NGỢI: Tôi rút ra một điều rằng, cuộc đời phàm muốn làm việc gì lớn thì trước hết cần có ước mơ đủ lớn. Bản thân tôi đã có ước mơ đủ lớn để vượt qua tất cả khó khăn. Thời điểm leo Everest, tôi là người nhỏ con nhất, bị đánh giá yếu nhất, chỉ cao 1,68m và nặng 49kg.

Thứ hai là làm gì cũng phải có kỷ luật. Leo đỉnh Everest khí hậu, thời tiết khắc nghiệt và thiên tai rình rập, nếu không tuân thủ kỷ luật là tiêu liền.

Thứ ba, trong bất cứ công việc gì cũng cần có đội nhóm và tinh thần đồng đội.

Thứ tư là cần chuẩn bị tốt nhất có thể trước khi làm bất cứ việc gì.

Và cuối cùng, chúng ta luôn cần 1% may mắn để thành công. Đơn cử, đỉnh Everest là huyền thoại nhưng không thể nói trước được điều gì. Cho dù mình có khỏe đến cỡ nào, trang bị tận răng đi nữa, nhưng vẫn có thể mất mạng hoặc thất bại nếu thiếu may mắn khi gặp thiên tai trên hành trình.

Mỗi người sau khi chinh phục thành công các kỷ lục chắc chắn có những bài học kinh nghiệm rút ra cho riêng mình. Các anh có những lời khuyên gì đối với các bạn trẻ trong việc đặt ra những mục tiêu và cách thực hiện nó để có thể chinh phục bản thân và đạt đến các đỉnh cao trong cuộc sống?

- BÙI VĂN NGỢI: Bài học tôi luôn nhắc nhở đối với bản thân mình là để tạo ra một kỳ tích, chúng ta dù chỉ là một người bình thường làm những việc bình thường, nhưng chắc chắn phải nỗ lực phi thường. Mỗi thời có những khó khăn khác nhau, nhưng luôn đồng hành với khó khăn là cơ hội.

Các bạn trẻ bây giờ gặp khó khăn vì có quá nhiều lựa chọn. Tôi nghĩ muốn thành công, chúng ta phải tập trung vào mục tiêu, không chỉ 100% mà hơn thế nữa, có thể là 1.000%. Trước khi làm việc gì, chúng ta cần xác định rõ mình muốn gì, cần cụ thể, cần cân đo, đong đếm được. Sau đó lên kế hoạch, và chia nhỏ quãng đường, giai đoạn thực hiện. Quãng đường từ chân núi Everest lên tới đỉnh không thay đổi. Nếu mình bước một bước, quãng đường sẽ ngắn lại một bước. Cho nên mình phải biết đi bao nhiêu bước thì lên tới đỉnh, và việc bước đi từng bước như thế nào, thì mình sẽ đạt được mục tiêu mình muốn.

- PHAN THANH NHIÊN: Trước khi đến các cuộc hành trình trước đây, tôi luôn nghĩ mình yếu hơn người ta, từ đó sẽ phải nỗ lực, bắt buộc mình tập luyện nhiều hơn họ.

Bản thân tôi đã tập được cách nghĩ tích cực là gặp khó khăn không bao giờ chửi, không bao giờ than vãn. Thay vì than vãn thì hãy làm nó, sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi mình làm việc đó một cách vui tươi. Khi đã vượt qua việc nhỏ thì có chút động lực để thực hiện việc lớn hơn, hoàn thành được nữa thì động lực sẽ quay lại thúc đẩy bản thân mình tiến lên. Những lúc đuối quá, nhìn ngược lại quãng đường phía sau đã đi qua lại có động lực cho mình đi tiếp.

Bản thân chúng ta phải luôn thiết lập một kỷ luật nghiêm, đặc biệt là trong công việc. Nhưng bản thân mỗi người chưa đủ mà cần có đồng đội chia sẻ, hỗ trợ, bổ sung, học hỏi lẫn nhau.

Xin cảm ơn các anh về cuộc trao đổi!

Thẩm Hồng Thụy (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Trung Quốc, Nepal công bố độ cao mới của đỉnh Everest

Thanh Hà |

Trung Quốc, Nepal cùng công bố độ cao mới của của Everest - đỉnh núi cao nhất thế giới.

Đoàn Trung Quốc "vô tình" chinh phục đỉnh Everest đầu tiên trong năm 2020

HỒNG HẠNH |

Một nhóm các nhà khảo sát Trung Quốc đã "vô tình" trở thành đoàn leo núi đầu tiên chinh phục được đỉnh Everest trong năm 2020.

Nepal tạm ngừng cấp phép leo lên đỉnh Everest

Thanh Hà |

Chính phủ Nepal công bố hôm 13.3 rằng sẽ tạm ngừng cấp phép leo lên đỉnh Everest và tất cả các đỉnh núi khác trong nước do lo ngại dịch COVID-19.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Trung Quốc, Nepal công bố độ cao mới của đỉnh Everest

Thanh Hà |

Trung Quốc, Nepal cùng công bố độ cao mới của của Everest - đỉnh núi cao nhất thế giới.

Đoàn Trung Quốc "vô tình" chinh phục đỉnh Everest đầu tiên trong năm 2020

HỒNG HẠNH |

Một nhóm các nhà khảo sát Trung Quốc đã "vô tình" trở thành đoàn leo núi đầu tiên chinh phục được đỉnh Everest trong năm 2020.

Nepal tạm ngừng cấp phép leo lên đỉnh Everest

Thanh Hà |

Chính phủ Nepal công bố hôm 13.3 rằng sẽ tạm ngừng cấp phép leo lên đỉnh Everest và tất cả các đỉnh núi khác trong nước do lo ngại dịch COVID-19.