Từ lời cảm ơn của khán giả đặc biệt nhất…
Tối ngày 10.12, sân Rizal Memorial là sàn diễn của U.22 Việt Nam và thành một bữa tiệc lớn tôn vinh chiến thắng của bóng đá Việt Nam. Ở Việt Nam, những bữa tiệc bóng đá tràn ngập cảm xúc ở khắp mọi nơi, kéo dài đến tận hôm qua và vẫn chưa kết thúc.
Giữa lễ hội lớn ăn mừng của bóng đá Việt, bầu Đức đã ở đâu? Trong một căn phòng nhỏ, và vẫn áo pull quần jean, ông bầu này ngồi đó, một mình chứng kiến chiến thắng của thầy trò HLV Park Hang-seo, một mình tận hưởng niềm vui khi tấm Huy chương Vàng chờ đợi 60 năm cuối cùng cũng đến và được đeo lên cổ các thành viên U.22 Việt Nam.
“Chắc ông ấy buồn lắm, khi không có cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai nào trong đội hình U.22 Việt Nam cả…”. Một người bạn dân bóng đá nhắn tin hỏi, khi nhìn bức ảnh bầu Đức ngồi một mình giữa bàn trống, nhìn lên màn hình tivi có hình ảnh Tiến Linh. Bầu Đức có buồn không và ông muốn nói gì ở thời khắc lịch sử?
“Tôi thực sự rất hạnh phúc và vui sướng. Tôi muốn được nói lời cảm ơn đến HLV Park Hang-seo. Ông ấy đã 3 lần cảm ơn tôi nhưng bản thân tôi chính thức gửi lời cảm ơn đến ông Park vì những đóng góp lớn lao cho bóng đá Việt Nam. Cảm ơn ông đã mang về tấm HCV SEA Games sau 60 năm chờ đợi về cho bóng đá Việt Nam”. Chỉ ngắn gọn vậy thôi, lời cảm ơn đến thầy Park từ người đã trực tiếp chọn, đưa ông thầy người Hàn đến với bóng đá Việt để rồi mở ra một trang mới. Và ông cũng không biết những lời cảm ơn bột phát từ rất đông người hâm mộ tối ngày 10.12 đó dành cho người 2 năm qua đứng ra trả lương cho thầy Park, cho đến cả thời điểm U.22 Việt Nam đăng quang.
Có thể bầu Đức có chạnh lòng, dù có vui sướng, hạnh phúc. Nhưng đừng buồn, bởi những gì ông đã cống hiến và đóng góp, giờ bóng đá Việt Nam nhận thành quả. Ông với cách làm của mình đã truyền cảm hứng đến các doanh nhân; còn những ông bầu khác để đầu tư, làm bóng đá rồi ra quả ngọt - là những chiến công 2 năm qua mà SEA Games 30 chỉ là một điểm mốc. Họ đều không cần cảm ơn…
Quá nửa đội hình U.22 Việt Nam là quân Hà Nội và bởi mục tiêu SEA Games như yêu cầu của ông Park, bầu Hiển bỏ tiền ra trả thay SC Heereveen khi đưa Văn Hậu từ Hà Lan về. Cầu thủ 20 tuổi đang chơi bóng ở Châu Âu và rực sáng tối ngày 10.12 đó, đâu phải ai cũng biết chính là phát hiện của bầu Hiển, được ông trực tiếp đưa về Hà Nội rồi nuôi dạy 10 năm qua.
Hoàng Đức, Đức Chiến là sản phẩm của lò Viettel và Trung tâm Viettel với cơ sở vật chất hàng đầu, lâu nay ông Park cứ cần là có. Còn trung tâm PVF nơi ra lò những Đức Chinh, Thái Quý, Tiến Dũng, Ngọc Bảo, đâu phải ai cũng biết đã xung phong đăng cai cả chục đợt tập trung của U.22 Việt Nam suốt năm 2019 chuẩn bị SEA Games 30. Tất cả đều chế độ 5 sao, sân tập nào tốt nhất dành cho đội và khi cần thì cho nghỉ hết để nhường cho U.22 Việt Nam. Và trung tâm chữa trị, phục hồi chấn thương với chuyên gia hàng đầu nữa, dành ưu đãi đặc biệt cho tất cả cầu thủ thuộc các ĐTQG.
Cảm ơn tất cả, vì sự chung tay để có thành công hôm nay và ngày mai…
Đến những cái ôm hôn của thầy Park
“Tất cả vì U.22 Việt Nam, vì tấm Huy chương Vàng mà chúng ta sẽ phải mang về…”. Họ từ chối chia sẻ thông tin, nói về công việc của mình vì đó đơn giản là trách nhiệm, và cả vinh dự nữa.
Một ví dụ nhỏ như thế này, bóng đá nữ đá 2 sân Binan và Rizal Memorial, ở Manila việc di chuyển rất khó khăn do tắc đường, nhưng thầy trò HLV Mai Đức Chung không gặp vấn đề gì, khi thuê sẵn khách sạn ngay cạnh để tiện lợi nhất cho việc luyện tập, nghỉ ngơi. Trong khi các đội dự SEA Games đều gặp trục trặc và ức chế thì riêng 2 đội Việt Nam được chu toàn hết.
Như U.22 Việt Nam nhận một số đặc cách và còn được ưu ái bố trí một khu riêng biệt trong phòng ăn chung. Có được điều đó, bởi công tác hậu cần tốt từ VFF. Từ 1 tháng trước, Trưởng phòng các ĐTQG và Phó phòng đào tạo VFF đã đi tiền trạm, lên hết mọi phương án chuẩn bị. 2 ngày trước khi bóng đá đến Philippines, họ có mặt để kiểm tra, sắp xếp mọi thứ. Cả hành trình SEA Games của 2 đội, tất cả những vấn đề vòng ngoài đều được xử lý “phát một”, không để bất cứ sự cố nhỏ nhất xuất hiện.
U.22 Việt Nam và Đội tuyển nữ Việt Nam cùng “ca khúc khải hoàn”, không ai “biết mặt, đặt tên” họ. Không ai biết trợ lý Lưu Danh Minh với máy quay phim và máy tính, bất kỳ tư liệu hay thông số nào về đối thủ khi thầy Park cần đều có hết. Cũng không ai biết trong bản danh sách thành viên ban huấn luyện lên tới 19 người của U.22 Việt Nam, có một Kim Tuấn “không nói, chỉ làm”, từ nhặt bóng, xoa bóp và massage cho cầu thủ, phiên dịch, lo thủ tục giấy tờ và khi đội thiếu, thì xỏ giày vào đá đối kháng… Chính là nhân tố “không thể thay thế” 2 năm qua, hết SEA Games 30 chỉ mong được về luôn để chào con nhỏ mới ra đời.
Buổi tối 10.12, không có trên màn ảnh những cái bắt tay cảm ơn của ông Park với các cộng sự âm thầm khi kết thúc một hành trình mà tất cả đều làm tốt phần việc của mình được giao để góp vào thành công chung của U.22 Việt Nam. Phần thưởng với những người như Kim Tuấn, lớn nhất chính là cái gật đầu của ông Park cho phép về Đắk Lắk với gia đình, không phải tập trung cùng U.23 Việt Nam tập huấn và dự giải U.23 Châu Á 2020 này.
Từng người một, ông thầy này ôm hôn và nói lời cảm ơn tới các trợ lý, nhân viên hậu cần. Nguyên một êkíp, tất cả đều làm việc cật lực với tất cả trách nhiệm vì cái chung với sự phối hợp, đoàn kết tuyệt vời để có một quá trình chuẩn bị hoàn hảo cho những kết quả trên sân cỏ, điều mà tất cả đều nhìn thấy.
Có quá nhiều thứ để nói sau tấm Huy chương Vàng chờ đợi tận 60 năm của bóng đá Việt, và ông Park là người đầu tiên nói câu cảm ơn. Với ông, U.22 Việt Nam và SEA Games 30 cũng chính là một bài học, về sự chung tay, đoàn kết và tinh thần làm việc hết mình, tận hiến vì cái chung.
Tinh thần Việt Nam, tinh thần “Chúng ta là Việt Nam, chúng ta là một” đó, như ông Park đặc biệt đề cao và coi là chìa khóa của thành công, từ tấm Huy chương Vàng cũng là thêm một bài học nữa…