Cục diện khó lường
Trước khi vòng 13 V.League 2020 diễn ra, tâm điểm chú ý dành cho 2 đội là Hoàng Anh Gia Lai (xếp thứ 7) và Đà Nẵng (xếp thứ 8). Kết quả của 2 đội bóng này có thể thay đổi cục diện Top 8 và 6 đội xếp cuối. Bất ngờ đã xảy ra khi HAGL giành thắng lợi tưng bừng 5-2 trước TP.HCM để leo lên “mâm trên”, còn Đà Nẵng đã để thua đội nhóm cuối bảng xếp hạng Nam Định 0-1, xuống đua trụ hạng.
Kết quả này sẽ chẳng có gì đáng nói cho đến khi cục diện của lượt về được hiện ra rõ ràng sau vòng 13 V.League 2020 hạ màn. Nhìn vào Top 8 Sài Gòn, Viettel, Than Quảng Ninh, Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, HAGL và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Những câu hỏi lại được dư luận đặt ra, dù muốn hay không: Ai vay, ai trả và đá cho ai, vì cái gì?
Sẽ không thể phủ nhận định kiến kể cả có phần chủ quan, việc HAGL có mặt trong nhóm đầu sẽ là lợi thế với TPHCM, khi 2 đội bóng này được biết đến là có mối quan hệ thân thiết. Việc bầu Đức cho TPHCM mượn Công Phượng và hàng loạt cầu thủ, rồi HAGL với chiến thắng để có mặt trong Top 8 thay vì lo ngay ngáy với ám ảnh đua trụ hạng, họ sẽ chơi thế nào khi không có mục tiêu vô địch? Và lượt về, đội bóng nhà bầu Đức sẽ đá vì ai, cho ai?
Cú “ngã ngựa” bất ngờ của Đà Nẵng để xuống “mâm dưới” là một bất ngờ lớn và cũng được đặt nghi vấn tương tự. Có thể thấy, Đà Nẵng nằm trong nhóm những đội liên quan đến bầu Hiển (Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng) do đó mà việc đội bóng này xuống nhóm cạnh tranh suất trụ hạng vô tình lại có lợi cho đội cuối bảng Quảng Nam. Thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức đang là đội chiếm ưu thế nhất trong nhóm 6 đội, có thể họ sẽ có điều kiện để tương trợ “đồng đội” trong cuộc chiến chống xuống trụ hạng.
Xin lưu ý rằng, vấn đề đặt ra không có tính khẳng định hay quy chụp cho bất cứ diễn biến nào của các trận đấu vòng 13 V.League 2020. Đây là những câu hỏi, nghi vấn mà giới bóng đá đang đặt ra cho cục diện V.League 2020 ở giai đoạn lượt về.
Lo tiêu cực ở nhóm A
Hồi đầu mùa giải 2020, khi VPF quyết định thay đổi thể thức của V.League nhằm đảm bảo giải diễn ra phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19, rất nhiều những ý kiến tranh cãi về khả năng tiêu cực của giai đoạn 2. Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cũng thừa nhận, bên cạnh những mặt tích cực thì thể thức mới cũng có những nhược điểm: “Khi một số đội sẽ phải thi đấu nhiều trận trên sân đối phương so với một số đội khác. Hoặc khi vào giai đoạn 2, một số đội ở nhóm A đã chắc suất trụ hạng nhưng lại không có động lực phấn đấu giành huy chương thì có thể sẽ thi đấu không hết mình. Hoặc cơ hội tránh suất xuống hạng của đội đứng cuối nhóm B khi vào giai đoạn II cũng sẽ giảm đi do số trận đấu ít đi… Sẽ không thể có một thể thức nào hoàn hảo trong điều kiện quỹ thời gian eo hẹp như thế này. Ngoài ra chúng ta cũng phải thấy là các đội đều muốn giữ hình ảnh của mình nên họ sẽ phải luôn nỗ lực để không bị khán giả quay lưng lại”.
Nhìn vào thực tế, Top 8 chỉ có 2 đội xác định mục tiêu vô địch từ đầu mùa giải là Hà Nội và TPHCM. Còn lại, Sài Gòn và Viettel chỉ mới xác định mục tiêu vô địch khi thời cơ đến. Trong khi đó, các đội còn lại là Than Quảng Ninh, HAGL đã sớm xác định không đua vô địch mà chỉ phấn đấu nhóm đầu. Bình Dương không liên quan nhưng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vốn cũng thuộc nhóm đội liên quan đến bầu Hiển khiến cho cuộc đua vô địch được đặt ra nhiều dấu hỏi.
Theo HLV Chu Đình Nghiêm nhận xét, nhìn vào hiện tại thì Sài Gòn đang chiếm ưu thế khi dẫn đầu bảng. Tuy nhiên, khoảng cách với đội xếp thứ 2 chỉ là 2 điểm. Chính vì vậy mà lợi thế không rõ ràng, phải chờ thêm 2-3 trận đấu nữa mới có thể lộ diện ứng viên. Đặc biệt, các đội trong nhóm 1 đều đã chắc suất trụ hạng nên sẽ thi đấu cởi mở, cống hiến hơn ở giai đoạn 2 cũng là điều khiến cho cục diện khó lường.
LS V.League 2020 diễn ra kịch tính và hấp dẫn với thể thức mới. Thế nhưng giai đoạn 2 đang vẽ ra một cục diện mà VPF cần tính đến những vấn đề tiêu cực có thể xuất hiện, như chuyện dồn điểm, “cứu bồ” mà một vài biểu hiện ở vòng 13 trong “ngày phán quyết” khiến không thể không đề phòng.
Chủ tịch VPF Trần Anh Tú: “Theo điều lệ giải chuẩn bị ban hành, số điểm cũng như các thông số như bàn thắng thua, thẻ vàng thẻ đỏ đều được giữ nguyên khi vào giai đoạn 2, do vậy các đội sẽ phải thi đấu hết mình ở giai đoạn 1 để có được thứ hạng cao ở giai đoạn 2. Việc một đội đã đủ điểm để vào giai đoạn 2 ở thể thức thi đấu mới này cũng giống như trường hợp một đội đã đủ điểm trụ hạng ở cuối mùa giải ở thể thức thi đấu trước đây. Vì vậy dù ở thể thức thi đấu nào cũng có những tình huống giống nhau xảy ra. Việc chống tiêu cực không phải chỉ trong trường hợp mà phóng viên đặt ra mà VFF và VPF đều phải chống trong mọi trường hợp. Ngoài việc kết hợp với Bộ Công an, hiện nay chúng tôi còn có 2 đơn vị nước ngoài theo dõi tất cả các trận đấu để hỗ trợ cho VFF và VPF phát hiện các hiện tượng tiêu cực”.