Everest một lần được ngắm

Di Li |

Everest chính là người thầy từng trải và vĩ đại nhất với những bài giảng không lời.

Năm giờ chiều, xe điện thả chúng tôi ở Trại Nền Everest ở độ cao gần 5200m. Từ đây muốn leo lên đỉnh Everest 8.800m cần phải vượt qua… năm nấc trại nữa.

Kể từ lần đầu tiên “cột mốc số 0” tính từ bầu trời được chinh phục bởi con người vào năm 1953 thì đã có hơn 4000 nhà leo núi đặt chân lên đỉnh Everest, nhưng số người phải bỏ mạng rồi tự hóa thạch giữa thinh không vì chẳng có công cụ nào mang nổi xác về cũng lên đến vài trăm. Sinh nghề tử nghiệp, Everest cuối cùng đã trở thành ngôi nhà vĩnh cửu của họ.

Trên con đường độc đạo ấy, những người leo núi thế hệ sau bắt buộc phải bước qua các thi thể vẫn còn nguyên áo quần và giày mũ, mà băng giá đã giữ nguyên thanh xuân miên viễn cho họ. Người nào đã chinh phục Everest nhiều lần thì thậm chí còn thuộc cả các xác chết.

Dân leo núi chuyên nghiệp thường tiếp cận đỉnh Everest qua hai đường chính là sườn Đông Nam từ bên Nepal và sườn Đông Bắc phía Tây Tạng. Nhưng đa phần người ta leo từ sườn Đông Nam vì lộ trình dễ dàng hơn. Song cũng chính vì ham doanh thu (11.000USD/giấy phép), chính phủ Nepal cấp giấy vô tội vạ cho khách leo núi, cả dân không chuyên lẫn những người có tiền sử bệnh tim mà giấu giếm. Năm 2019, con số kỷ lục của giấy phép với 381 người được quyền sung sướng leo Everest, dù tổng chi phí bỏ ra cũng lên đến 70.000USD cho một cuốc leo núi.

Chỗ tôi đang đứng là một quả núi khác của dãy Himalaya. Từ đây đến Everest quãng hơn chục cây số nữa. Nhưng từ vị trí này, tôi cảm thấy như đã sắp chạm được vào ngọn núi thiêng mà tất cả những kẻ viễn du đều ao ước. Hoàng hôn kìa. Tiếng lao xao nổi lên, bằng đủ mọi ngôn ngữ. Những ống kính đồng loạt hướng về Everest. Vầng dương hào sảng đã chập lên đỉnh trời. Lúc này, lớp băng tuyết vĩnh cửu giống như một tấm toan tinh khiết và hoàng hôn phết một màu cam sậm lên nó. Everest có nhẽ đã mỉm cười, mắt không thèm liếc xuống những sinh vật li ti và non trẻ. Nó bình thản tự đổi màu rồi tỏa ánh vàng giữa nền trời lúc này đã trở nên sẫm đục và mờ tối.

Các Trại Nền cũng là nơi dành cho dân leo núi nghỉ ngơi vài tuần để làm quen với độ cao trước khi chinh phục Everest. Có hơn chục chiếc lều lớn quây thành sân. Ở giữa người ta đi lại nhộn nhịp và bày bán các bàn trang sức loại tầm tầm chẳng bõ mua nhưng vui mắt. Lều rộng rãi chừng ba chục mét vuông. Sàn lều trải thảm dạ hoa văn, vách lều in hình cá lượn rực rỡ. Một dãy giường bao quanh vách lều có ga rủ và gối tựa bằng vải dạ cũng thêu hoa văn, trên để những chiếc chăn bông gấp gọn gàng. Bốn chiếc bàn sơn vẽ theo lối Tây Tạng, lại thêm mấy phích nước kiểu Rạng Đông in hình hoa hồng và dăm ống đũa.

Chính giữa lều là một bếp lò đang đỏ lửa với chậu than dự trữ bên cạnh, trên có hai ấm nước đang sôi ùng ục. Vì thế mà vừa bước chân vào lều tôi đã thấy nóng sực, chưa kể những bóng đèn vàng ấm áp viền rua lụa màu nõn chuối với các dây hoa giấy cắt tỉa kiểu thời bao cấp rủ xuống làm ta ấm cả mắt. Tôi chờ cho nước sôi thêm rồi bắt đầu nấu mì. Không khí trong lều ấm cúng, đầy chất phiêu lưu, và rất… điện ảnh. Tuy thế đêm nay sẽ khó ngủ lắm đây. Tôi nghĩ thế và đúng như thế...

Đã 11 giờ đêm. Nhiệt độ bên ngoài xuống âm, lạnh tới độ thò tay ra cửa lều thậm chí còn buốt hơn nhét vô tủ đá. Everest chỉ còn là khối đen mờ in lên vũ trụ sâu thẳm và sân trại lặng thinh trong sương giá. Chúng tôi nằm sắp hàng giống cá hộp. Tất cả đều trằn trọc khó ngủ. Không khí trở nên khô lạnh và khó thở. Bếp lò đốt bằng than phân bò đến nửa đêm cũng đã cạn lửa. Muốn ấm trở lại thì phải dậy mà xúc than vô lò. Than phân bò Yak sạch sẽ và an toàn. Nhưng chẳng ai muốn chui ra khỏi chăn để tời thêm than cả. Căn lều đã chìm hẳn vào bóng tối. Đêm trên Everest yên tĩnh kỳ lạ, thậm chí không cả tiếng gió. Không gì cả, chỉ còn tiếng trở mình loạt xoạt cả từ bên kia vách lều.

Thực ra không đêm nào trên Himalaya tôi có thể ngủ sâu. Không khí loãng khiến cho não luôn trong tình trạng thiếu ôxy và giấc ngủ trở nên chập chờn. Chưa bao giờ trải qua cảm giác kỳ lạ này, tôi không chắc mình có đang thở hay không, thậm chí là đang ngủ hay đang thức. Khứu giác trở nên tồi tệ. Tôi không còn cảm thấy mùi gì nữa. Sau tôi nghĩ ra cách trùm kín chăn lên mặt. Gặp hơi ấm, ô xy dường như giãn nở được đôi chút giúp tôi dễ thở hơn và chìm dần vào giấc ngủ chòng chành...

Đã bốn rưỡi sáng, dậy luôn cũng được rồi. Tôi ngồi thêm một lúc rồi khoác áo bước ra khỏi lều.

Hầu hết du khách đều đã thức giấc và đi ra bãi đất đằng sau để đón bình minh. Hàng dãy ống kính chuyên nghiệp kê sẵn trên chân máy hướng về Everest, sẵn sàng chớp những khoảnh khắc để đời khi ánh tươi non đầu ngày tráng hồng lên chỏm núi.

Trong lúc chờ đợi, tôi xách một phích nước ra rìa núi để rửa mặt. Giờ tôi mới biết khu đất lều trại và vách núi sau nhà được ngăn cách bởi một con suối. Tối qua tôi cũng đứng đúng vị trí này, nhưng chỉ nghe thấy tiếng róc rách mà không cách nào biết chúng phát ra từ đâu. Nước trong phích đã cạn. Tôi tạm đánh răng bằng thứ nước lạnh buốt lấy từ vòi, bên con suối đang điềm tĩnh chảy qua eo núi. Có nhẽ nó đã cố gắng lắm để khỏi bị đóng băng trước khi chuồi được xuống chân núi rồi nhập vào một dòng sông nào đó mà chu du khắp thế giới. Đóng băng rồi sao được ra biển lớn, sẽ đọng lại mãi thành những vụn tuyết trên núi đá mà thôi.

Những âm thanh vang lên thán phục. Tiếng bấm máy lạch xạch liên hồi. Bình minh đã nhuốm hồng bầu trời còn đang ngái ngủ, khiến chỏm núi hùng vĩ khảm ánh vàng. Người khổng lồ đã thức giấc, ngạo nghễ nhìn xuống nhân gian.

“Ta cao quá thì núi non thấp lắm”.

Lúc sinh thời, thi sĩ Xuân Diệu chưa từng đứng ở nơi này, mà ông đã miêu tả về Everest:

Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất Không có chi bè bạn nối cùng ta

Ngang nhật nguyệt, còn chi sân với ngõ! Lầu vua chúa còn chi hơn bãi cỏ? Nóc đền đài cũng thấp tựa lũng nham!

Cô đơn muôn lần, muôn thuở cô đơn

Nỗi cô đơn của những kẻ Số Một. Giờ tôi mới hiểu tại sao các đạo sư và nhà hiền triết luôn chọn Himalaya làm nơi ẩn dật, đến nỗi nhiều cuốn sách còn chứng minh rằng giờ vẫn có những đạo sĩ sống qua vài trăm năm tuổi đang tu trong một am thất đâu đó trên “Lãnh địa của tuyết”. Bởi chỉ khi nào đối diện với Everest và thênh thang đá núi, mây trời, ta mới chợt thấy danh vọng trở nên tầm thường, tiền bạc kỳ thực là phù du, những phiền não ái tình chợt thành ngớ ngẩn, mọi thứ đám đông trước nay vẫn tung hô, ngưỡng mộ, rồi đố kỵ, gièm pha, tranh giành nhau, thậm chí giết chóc nhau bỗng hóa ra lom dom, tội nghiệp. Ngay cả chính ta nữa, mới tội nghiệp và lom dom làm sao.

Tôi lại nhớ bức tranh đang treo trên tường phòng khách ở nhà, của Fyodor Konyukhov, một trong những nhà thám hiểm hàng đầu người Nga, từng chinh phục những vùng thám hiểm khó khăn nhất. Tôi rất thích một bức vẽ từng trưng bày trong cuộc triển lãm tranh cá nhân của ông. Đó là một tác phẩm bằng than chì được phác họa trên đỉnh Everest, miêu tả một con ngựa đang ngồi bó gối trong dáng vẻ cô đơn buồn bã. Tôi chụp lại bức tranh mà tôi tự đặt tên là “Con ngựa mặt buồn”, in ra rồi nhờ người chuyển đến ông để xin chữ ký, trong quãng thời gian hiếm hoi ông ở nhà mà không lênh đênh đâu đó trên đại dương.

Tôi cố gắng hình dung Fyodor đã vẽ nó ở vị trí nào của Everest, trên đỉnh núi chỉ rộng bằng hai cái bàn bóng, trong lều Trại VI, hay lúc vừa thức giấc giữa đêm để kịp leo qua thác băng Khumbu hiểm trở trước khi ánh bình minh đầu tiên ló rạng sẽ làm tan chảy mất con đường độc đạo ấy? Dẫu sao, khoảnh khắc một mình một bầu trời ấy hẳn ông đã rất cô đơn, nỗi cô đơn đẹp đẽ và kiêu hãnh mà tôi nhìn thấy qua đôi mắt con ngựa mặt buồn. Tôi ước gì mình cũng sở hữu nỗi cô đơn ấy, được độc hành trên đỉnh Everest, điều mà suốt kiếp này tôi cũng không có cơ hội chạm chân tới được.

Fyodor Konyukhov, cuối cùng đã viết ở mặt sau của bức tranh con ngựa bằng một cây bút mực đen, mà tôi cho rằng đó là lời đề tặng hay nhất thế gian: “Tặng Di Li, chúc bạn tìm thấy Everest của cuộc đời mình”.

Di Li
TIN LIÊN QUAN

Trung Quốc, Nepal công bố độ cao mới của đỉnh Everest

Thanh Hà |

Trung Quốc, Nepal cùng công bố độ cao mới của của Everest - đỉnh núi cao nhất thế giới.

Đoàn Trung Quốc "vô tình" chinh phục đỉnh Everest đầu tiên trong năm 2020

HỒNG HẠNH |

Một nhóm các nhà khảo sát Trung Quốc đã "vô tình" trở thành đoàn leo núi đầu tiên chinh phục được đỉnh Everest trong năm 2020.

Nepal tạm ngừng cấp phép leo lên đỉnh Everest

Thanh Hà |

Chính phủ Nepal công bố hôm 13.3 rằng sẽ tạm ngừng cấp phép leo lên đỉnh Everest và tất cả các đỉnh núi khác trong nước do lo ngại dịch COVID-19.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan chung kết AFF Cup 2022

Bảo Bình - Dương Anh |

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan AFF Cup 2022. Với lợi thế sân nhà, có 44,51% lượt bình chọn trên sofascore tin rằng Thái Lan giành chiến thắng, 28,38% dự đoán kết quả hoà và 27,11% nhận định đoàn quân của HLV Park Hang-seo sẽ nâng cao chức vô địch.

Trung Quốc, Nepal công bố độ cao mới của đỉnh Everest

Thanh Hà |

Trung Quốc, Nepal cùng công bố độ cao mới của của Everest - đỉnh núi cao nhất thế giới.

Đoàn Trung Quốc "vô tình" chinh phục đỉnh Everest đầu tiên trong năm 2020

HỒNG HẠNH |

Một nhóm các nhà khảo sát Trung Quốc đã "vô tình" trở thành đoàn leo núi đầu tiên chinh phục được đỉnh Everest trong năm 2020.

Nepal tạm ngừng cấp phép leo lên đỉnh Everest

Thanh Hà |

Chính phủ Nepal công bố hôm 13.3 rằng sẽ tạm ngừng cấp phép leo lên đỉnh Everest và tất cả các đỉnh núi khác trong nước do lo ngại dịch COVID-19.