Mất cả gia tài...
“Kể từ sau khi câu lạc bộ Than Quảng Ninh giải thể, cuộc sống hiện tại của tôi khá vất vả. Đi đá bóng bao nhiêu năm tích cóp thì bị nợ tiền mất 2 năm rưỡi. Số tiền này với tôi là cả một gia tài dành dụm được.
Thời điểm đó anh em cầu thủ có liên hệ luật sư, nhưng đội bóng giải thể thì chẳng đi đến đâu. Tôi cũng từng liên lạc với Giám đốc điều hành nhưng không nhận được câu trả lời. Trong giấy thanh lý người ta bảo là sẽ trả tiền nhưng chưa biết ngày nào trả. Đến bây giờ vẫn chưa được giải ngân 1 đồng nào, từ lương, thưởng đến lót tay”, hậu vệ Lê Thế Mạnh nói với Lao Động.
Trong số các cầu thủ bị nợ lương, thưởng của câu lạc bộ Than Quảng Ninh, Mạnh “đen” là người gặp nhiều khó khăn. Trước đó, anh vừa gặp chấn thương đứt dây chằng đầu gối. Bị nợ hàng trăm triệu đồng tiền lương, phí từ năm 2019 khiến gia đình cầu thủ này rơi vào hoàn cảnh mà chính anh cũng chưa từng nghĩ đến.
Cầu thủ quê Nghệ An hồi tưởng: “Khi đội mới giải tán thì vợ tôi sắp sinh cháu thứ 2. Đến giờ thì cháu cũng gần được 4 tháng. Hai vợ chồng đã trải qua quãng thời gian khá vất vả, nhất là thời điểm dịch bùng phát. Vợ mới sinh xong cũng chưa làm được gì nhiều, chủ yếu vẫn phải trông con”.
Lê Thế Mạnh cho biết, nguồn thu nhập chính hằng ngày của anh đến từ việc phụ vợ bán phở ở Quảng Ninh. Đến cuối tuần lại xuống Hà Nội đá phủi. Thấy con trai và con dâu vất vả, mẹ của Thế Mạnh lặn lội từ Nghệ An ngược ra đất Mỏ để phụ giúp.
Tìm kế sinh nhai trên sân phủi
“Việc bán phở cũng không dư giả như nhiều người nghĩ, chứ nếu đủ thì tôi đã không phải đi đá phủi để kiếm thêm như thế này. Mình kiếm được bao nhiêu thì cứ cố gắng hết sức để chăm lo cho con cái. Thời gian này đang rảnh rỗi thì về đá phủi. Trước hết là thoả mãn niềm đam mê, sau cũng kiếm thêm chút ít thu nhập phụ giúp gia đình đỡ vất vả. Tạm thời cứ đá hết mùa giải năm nay rồi sẽ tính tiếp”, Lê Thế Mạnh chia sẻ.
Việc một cầu thủ có “số má” như Thế Mạnh phải đá phủi để kiếm sống là câu chuyện buồn. Tất nhiên, trình độ chuyên môn giúp Mạnh được chơi cho một đội bóng phong trào “giàu có” và tên tuổi như Mobi FC. Anh không phải lo lắng nhiều, miễn là đáp ứng được yêu cầu ở sân chơi khắc nghiệt như HPL - Giải bóng đá 7 người vô địch toàn quốc. Nhưng, chấn thương và biến cố ở câu lạc bộ Than Quảng Ninh khiến Thế Mạnh gặp quá nhiều thử thách.
Cầu thủ này tâm sự: “Tôi gặp chấn thương hồi đầu mùa giải 2021, đến khi vừa khỏi thì đội bóng giải tán. Một cầu thủ bị chấn thương nặng về dây chằng, muốn lấy lại phong độ thì cần ít nhất 1 năm. Lúc đó chỉ mới trở lại, đi thử chân ở các câu lạc bộ cũng nhọc nhằn lắm. Vừa rồi tôi có đá ở giải hạng Nhì trong màu áo Hải Nam Vĩnh Yên Vĩnh Phúc, nhưng đội lại không gặp may, chưa thể lên hạng”.
Mỗi lần Thế Mạnh nằm sân sau những pha va chạm mạnh, nỗi ám ảnh chấn thương lại ùa về với vợ và mẹ của anh. Đến mức, vợ của Thế Mạnh lập tức gọi điện thoại cho chồng chỉ để biết rằng “anh vẫn ổn”.
Khao khát quay trở lại sân chơi đỉnh cao vẫn còn, nhưng Lê Thế Mạnh có những tính toán riêng khi bản thân cũng không còn trẻ. Anh cho biết bản thân muốn đi học nghề, không theo được bóng đá chuyên nghiệp thì có thể chuyển sang kinh doanh hoặc làm việc tại các công ty. Đích đến của Thế Mạnh là vừa được làm việc có thu nhập ổn định, vừa được chơi bóng thoả đam mê.
“Tôi còn một ước mơ khác, đó là được gõ đầu trẻ, được dạy các cháu nhỏ đá bóng. Nhưng tôi phải đi học trước đã”, Thế Mạnh trầm ngâm.