14 suất chính thức vẫn chưa phải hoàn hảo
Cục trưởng Cục Thể dục - Thể thao Đặng Hà Việt đã cho biết, tới đây thể thao chúng ta còn chờ công bố chính thức được trao thêm 2 suất đặc cách dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Các suất lần lượt được trao cho môn điền kinh và môn bơi.
Thông báo vẫn chưa chính thức do ngày 30.6 mới kết thúc các giải quốc tế của các môn để tính kết quả tranh suất Olympic Paris (Pháp) 2024. Sau thời gian trên, ngày 2.7, các Liên đoàn và Hiệp hội thể thao quốc tế mới công bố cụ thể suất chính thức, suất đặc cách dự Olympic Paris (Pháp) 2024.
Về cơ bản, chúng ta đã nắm chắc 2 suất đặc cách trên nên tính tổng thể chúng ta sẽ có 16 vận động viên tham dự tranh tài tại Paris (Pháp) lần này. Đáng chú ý, chúng ta không giành được suất nào của nội dung đồng đội hay đội tuyển, vì vậy thể thao Việt Nam dự Thế vận hội lần này đều là các tuyển thủ thi đấu nội dung cá nhân.
Tính đến lúc này, thể thao Việt Nam đạt 14 suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024 nhưng so với nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á thì kết quả của chúng ta còn khiêm tốn.
Tính đến hết ngày 25.6, thể thao Thái Lan đã có 47 suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024 và là nền thể thao vượt trội nhất về kết quả chuyên môn ở giải vòng loại Olympic lần này ở Đông Nam Á. Thể thao Malaysia tạm có 22 suất chính thức Olympic Paris (Pháp) 2024, thể thao Indonesia đã có 27 suất dự Olympic Paris (Pháp), còn thể thao Singapore tạm đạt 22 suất Olympic Paris (Pháp) 2024 trong khi Philippines đã có 20 suất Olympic Paris (Pháp) 2024.
Chúng ta đứng đầu tổng sắp huy chương tại SEA Games 32 nhưng việc không đạt được vượt ngưỡng 15 suất chính thức Olympic Paris (Pháp) 2025 thì kết quả chuyên môn là một dấu hỏi.
Khó tranh được huy chương
Trong 14 suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024, thể thao Việt Nam có kết quả ở các môn gồm xe đạp đường trường nữ, đua thuyền canoeing, đua thuyền rowing, judo, boxing, bắn cung, cầu lông, cử tạ, bơi, bắn súng.
Lãnh đạo Cục Thể dục – Thể thao đã trao đối với báo chí hôm 19.6 với quan điểm chúng ta nỗ lực chuẩn bị chuyên môn tốt nhất để thi đấu Olympic Paris (Pháp) 2024 chứ không quá đặt áp lực lên từng tuyển thủ.
Xét tổng thể, trong các môn của thể thao Việt Nam đã giành được suất chính thức Olympic Paris (Pháp) 2024, chúng ta không khẳng định được 100% tuyển thủ nào là đạt được huy chương khi thi đấu trực tiếp.
Ở ba kỳ thi đấu Olympic gần nhất là Olympic London (Anh) 2012, Olympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016, Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 thì thể thao Việt Nam từng có 1 huy chương đồng môn cử tạ năm 2012; 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc năm 2016. Đến năm 2020, chúng ta rất nỗ lực ở môn cử tạ để chờ đợi giành thêm huy chương nhưng không thành công.
Lần tham dự Olympic Paris (Pháp) 2024 này, chúng ta tiếp tục kỳ vọng có thể có đột biến ở môn cử tạ hoặc bắn súng, boxing. Tuy thế, không tuyển thủ nào ở nhóm này gồm Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng) và Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh (boxing) vượt trội chuyên môn khi dự các giải đấu tại SEA Games hay ASIAD trước đó.
“Đấu trường Olympic là nơi thu hút tất cả vận động viên hàng đầu thế giới. Chúng ta rất kì vọng tuyển thủ của mình thi đấu với một tinh thần cao nhất. Điều chúng tôi hy vọng là các em giữ một tâm lý tốt nhất để ra tranh tài là có quyết tâm cao nhất”, Trưởng phòng thể thao thành tích cao 1 (Cục Thể dục – Thể thao) – ông Hoàng Quốc Vinh đã cho biết khi trao đổi cùng báo chí.
Lúc này, niềm hy vọng số một của thể thao Việt Nam về triển vọng tranh chấp huy chương Olympic Paris (Pháp) 2024 được đặt vào tuyển thủ Trịnh Văn Vinh (cử tạ). Tuy nhiên, các đối thủ của Văn Vinh trong hạng 61kg nam rất mạnh còn lực sĩ của chúng ta mới chỉ xếp hạng 9 khi kết thúc giải vòng loại Olympic.