Futsal Thái Lan quá mạnh
Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần đầu tiên đưa môn futsal vào nội dung thi đấu kể từ năm 2007 và ngay lập tức, bóng đá trong nhà Thái Lan khẳng định sức mạnh vượt trội so với phần còn lại. 2 đội tuyển nam và nữ của futsal Thái Lan đã giành Huy chương Vàng ở 4 kỳ SEA Games liên tiếp với những chiến thắng áp đảo.
Theo đó, năm 2007, đội nam của họ thắng Malaysia 5-0 ở chung kết. Năm 2011 và 2013 thắng futsal Việt Nam với tổng số 16 bàn thắng được ghi (8-3 và 8-1). Đến kỳ SEA Games 2017, các đội đá theo thể thức vòng tròn, xác định đội vô địch, futsal Thái Lan cũng không có đối thủ. Họ thắng 3, thua 1 (trước Indonesia) để giành Huy chương Vàng.
Với tuyển nữ Thái Lan, họ cũng giành chiến thắng một cách thuyết phục ở 3 trận chung kết SEA Games 2007, 2011, 2013 và làm tốt hơn đội nam tại kỳ Đại hội năm 2017 (thắng 3, hòa 1). Có thể thấy, futsal Thái Lan có sự thống trị tuyệt đối tại SEA Games để đến kỳ Đại hội thứ 31 tại Việt Nam vào tháng 5 tới, họ tiếp tục là thách thức khổng lồ với phần còn lại.
Không khó để lý giải vì sao futsal Thái Lan lại mạnh đến vậy. Toh-Lek - biệt danh của futsal Thái Lan (nghĩa là “sân nhỏ”) đã phát triển từ năm 1992 và kể từ đó đến giờ, đội tuyển quốc gia nam của họ đã có hơn 300 trận đấu quốc tế chính thức. Đó là còn do họ có giai đoạn 7 năm không thi đấu quốc tế vì giải thể, trước khi thành lập lại năm 1999.
Ngay sau khi thành lập lại, họ đã giành vé dự World Cup lần đầu tiên vào năm 2000. Kể từ đó, futsal Thái Lan có 6 kỳ World Cup liên tiếp.
Tại Châu Á, futsal Thái Lan là một trong những đội mạnh và giàu truyền thống nhất - 2 lần á quân, 5 lần giành vị trí thứ 3 tại Asian Cup. Còn tại AFF Futsal Champioship của Đông Nam Á, Thái Lan vô địch ở tất cả các giải đấu họ tham gia kể từ năm 2001 (15 lần).
Trong khi đó, đội futsal nữ của Thái Lan cũng đã 1 lần dự World Cup (2010 - xếp thứ 7), 2 lần dự Asian Cup và thành tích tốt nhất là đứng thứ 3.
Cơ hội nào cho futsal Việt Nam?
So với futsal Thái Lan, futsal Việt Nam phát triển muộn hơn (1997) nhưng lại không phải các cầu thủ chơi futsal thuần túy mà là các ngôi sao của sân 11 như Hồng Sơn, Hữu Thắng, Minh Chiến, Công Minh. Nhưng sau giải Tiger Cup/World 5’ Futsal tại Singapore năm 1997, đội tuyển cũng rơi vào trạng thái giải thể trong 8 năm.
Phải đến năm 2005, đội tuyển futsal Việt Nam mới trở lại đấu trường quốc tế và bắt đầu có sự phát triển. Dẫu vậy, như đã nói trên, futsal Việt Nam và các nước trong khu vực chưa thể lật đổ Thái Lan ở sân chơi SEA Games.
Có thể thấy, ngoài Việt Nam, Malaysia (2 lần á quân SEA Games) và Indonesia (3 lần Huy chương Đồng) cũng rất muốn hạ bệ Thái Lan nhưng nói về thực lực, futsal Việt Nam vẫn được kỳ vọng nhất. Ở giải nữ, futsal Việt Nam cả 4 lần đều về nhì sau đối thủ xứ sở Chùa Vàng.
Đội nữ có thể vẫn sẽ rất khó khăn trong mục tiêu nhưng với đội nam của Huấn luyện viên Phạm Minh Giang lúc này, cơ hội không phải là không có.
Theo đó, theo thời gian, futsal nam Việt Nam cũng có bước phát triển mạnh mẽ để có thể thấy rằng, sân đấu này phù hợp với cầu thủ Việt Nam và có khả năng cạnh tranh hơn so với bóng đá sân 11.
Bằng chứng là futsal nam đã được đến với sân chơi World Cup (2 lần - 2016, 2021), trong đó, lọt vào vòng 16 đội ngay ở lần tham dự đầu tiên. Futsal nam cũng 6 lần dự Asian Cup và có vị trí thứ 4 vào năm 2016.
Vì sao futsal Việt Nam được kỳ vọng sẽ lật đổ đối thủ Thái Lan? Vì tại giải Futsal Đông Nam Á 2022 (vừa kết thúc vào chiều 10.4), futsal Việt Nam đã cho thấy mình có thể làm được gì. Dù thua chủ nhà Thái Lan 1-3 ở bán kết nhưng thực tế là, các cầu thủ đã thi đấu cực tốt trong hiệp 1, với một loạt cơ hội được tạo ra (2 lần bóng trúng khung thành).
Đội sau đó thua vì kinh nghiệm nhưng có thể thấy, chỉ cần khắc phục được khâu dứt điểm, futsal Việt Nam có hy vọng nghĩ đến Huy chương Vàng SEA Games.