CLB Than Quảng Ninh “kêu cứu” và “bóng đá bao cấp” ở V.League

Đăng Huỳnh |

CLB Than Quảng Ninh đứng trước nguy cơ dừng hoạt động nếu không được hỗ trợ ngân sách từ địa phương. Đây là thực trạng chung của nhiều đội bóng ở V.League.

Đâu chỉ Than Quảng Ninh “kêu cứu”

Trước thềm mùa giải 2021, CLB Than Quảng Ninh đứng trước những khó khăn về tài chính khiến hàng loạt các cầu thủ trụ cột ra đi. Than Quảng Ninh đang rơi vào khủng hoảng và thậm chí có nguy cơ dừng hoạt động. Sở VHTT Quảng Ninh đã làm việc với Ban lãnh đạo Than Quảng Ninh để khắc phục khó khăn, tuy nhiên vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Thanh Hùng - Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh - cho biết hiện bản thân ông và câu lạc bộ vẫn chờ những quyết định của tỉnh. Nguồn kinh phí để Than Quảng Ninh duy trì hoạt động mỗi năm từ 70-80 tỉ đồng. 2 nguồn chi kinh phí chính là từ tỉnh Quảng Ninh (nguồn kinh phí này do Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam tài trợ) khoảng 30 tỉ đồng, còn lại là tiền do doanh nghiệp của ông Phạm Thanh Hùng chịu.

Ở mùa giải 2020, câu lạc bộ không nhận được kinh phí từ tỉnh. Điều này dẫn đến việc đội bóng gặp khó khăn về tài chính dẫn đến việc nợ lương, thưởng. Ông Phạm Thanh Hùng cho biết trong trường hợp tỉnh không hỗ trợ kinh phí, ông sẽ cân nhắc việc xin rút lui khỏi đội bóng. Ngày 15.12 tới, câu lạc bộ sẽ nhận được quyết định cuối cùng để chuẩn bị cho mùa giải mới.

Thực tế, Than Quảng Ninh không phải trường hợp duy nhất “kêu cứu” ở mùa giải năm nay. Sau khi V.League 2020 tạm dừng lần thứ 2 vì dịch COVID-19, nhiều câu lạc bộ đã muốn kết thúc giải sớm vì không đủ kinh phí duy trì. Chủ tịch CLB Quảng Nam Nguyễn Húp là một trong những người tiên phong cho việc gửi văn bản xin dừng giải. Đội bóng này có nguồn kinh phí hỗ trợ từ tỉnh mỗi năm 16 tỉ đồng để hoạt động.

CLB Hải Phòng cũng được ngân sách của tỉnh hỗ trợ mỗi năm 40 tỉ đồng. Đây là đội bóng được chi nhiều tiền nhất từ ngân sách tỉnh, tuy nhiên thời gian qua lại có thành tích thi đấu không tốt. Ngày 25.11 vừa qua, ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cùng các sở, ban, ngành đã có buổi làm việc với Liên đoàn Bóng đá Hải Phòng và lãnh đạo CLB Hải Phòng. Ông Thành đã giao chỉ tiêu cho đội bóng lọt vào top 5 V.League 2021, nếu không sẽ xem xét trách nhiệm của Chủ tịch CLB.

Trường hợp Sông Lam Nghệ An, Nam Định cũng là câu chuyện tương tự khi sống dựa vào ngân sách của tỉnh. Chuyện chạy ăn từng bữa đã quá quen thuộc với Nam Định dù có nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh. Còn với đội bóng xứ Nghệ, họ nhiều năm qua vẫn đi đào tạo trụ cột cho các đối thủ ở V.League vì thiếu tiền giữ chân các ngôi sao. Mỗi năm Sông Lam Nghệ An cũng được hỗ trợ khoảng 20 tỉ đồng từ tỉnh.

Một trường hợp điển hình của việc thoái trào là CLB XSKT Cần Thơ. Họ xuống hạng vào năm 2018 và bây giờ đang đứng trước nguy cơ giải thể. Chủ tịch câu lạc bộ XSKT Cần Thơ Phạm Hoàng Hải đang hoàn tất các thủ tục để bàn giao lại đội bóng cho Sở VHTTDL Cần Thơ. Họ để ngỏ khả năng tham dự giải hạng Nhất Quốc gia 2021.

Cần xoá bỏ tư duy “bóng đá bao cấp”

“Trả về cho tỉnh” là một ngôn ngữ quen thuộc của các ông bầu hay những chủ tịch các đội bóng khi đứng trước các vấn đề khó khăn, nhất là về tài chính. Các câu lạc bộ vẫn luôn có một nơi để về khi không thể tồn tại, đó là địa phương. Nhưng cũng chính tư duy “bóng đá bao cấp” đó đang kéo theo những hệ luỵ xấu với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Sau 20 năm bóng đá Việt Nam bước lên chuyên nghiệp, chúng ta vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp. Bởi chính các câu lạc bộ không thể tự làm chuyên nghiệp chính mình. Việc bóng đá chưa thể kiếm tiền để hoạt động là một bài toán nan giải. Thế nên, mỗi đội bóng khi bị các ông bầu hay địa phương “rút ống thở” thì ngay lập tức cũng không thể tồn tại.

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Anh Tú - Chủ tịch VPF - đã phân tích về nguyên nhân các câu lạc bộ chưa thể kiếm tiền từ bóng đá: “Tôi cho rằng, tính bao cấp ở Việt Nam khá nhiều trong khi tính thị trường còn thấp. Vì vậy các CLB rất khó bán “tài sản” của mình để có nguồn thu. Tôi lấy ví dụ, việc bán trang phục của CLB ở nước ngoài là một nguồn thu khá tốt, nhưng ở Việt Nam gần như không đáng kể. Khi vào sân, chúng ta lại thấy CĐV mặc áo không phải do chính CLB bán ra. Hay việc bán vé cũng vậy, trước đây một số sân mở cửa cho khán giả vào tự do hoặc giá vé quá thấp.

Điều đó làm thấp giá trị của đội bóng và phần nào ảnh hưởng của tính bao cấp. Liên quan đến tài trợ cho CLB, nhiều CLB không bán được tài trợ theo đúng nghĩa của thị trường. Một số đội bóng nhận được tài trợ một phần dựa vào nghĩa vụ với địa phương. Điều này khác với những nhà tài trợ cho đội tuyển quốc gia”.

Trong số 14 câu lạc bộ tham dự V.League 2021, có đến 4 đội vẫn chưa đáp ứng các tiêu chí cấp phép chuyên nghiệp gồm: Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Hải Phòng (không tham dự đầy đủ các giải trẻ trong năm 2020 theo như quy định), Dược Nam Hà Nam Định (không đạt tiêu chí về tài chính), Sông Lam Nghệ An (không đạt tiêu chí về cơ sở vật chất, dàn đèn không đạt chất lượng theo đúng yêu cầu của AFC). Lưu ý, đây là những đội bóng đang sống chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của tỉnh.

Đến một đội bóng từng mệnh danh là “đại gia” như Than Quảng Ninh còn “kêu cứu” thì đó không còn là chuyện nhỏ. Đây là thực trạng đáng báo động của V.League trong bối cảnh vẫn loay hoay lên chuyên nghiệp.

Đăng Huỳnh
TIN LIÊN QUAN

Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh cân nhắc việc rút lui nếu không được hỗ trợ

ĐĂNG HUỲNH |

Chủ tịch Than Quảng Ninh, ông Phạm Thanh Hùng cân nhắc rút lui nếu đội bóng không có sự hỗ trợ của tỉnh.

Ngày phán quyết số phận Than Quảng Ninh

TRIẾT LONG |

Hôm nay (2.12), Chủ tịch Phạm Thanh Hùng sẽ có cuộc họp với huấn luyện viên Phan Thanh Hùng cùng các cầu thủ và tương lai của Than Quảng Ninh sẽ được định đoạt.

Bộ ba Than Quảng Ninh cập bến Hồng Lĩnh Hà Tĩnh

Thanh Vũ |

Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tiếp tục tạo bất ngờ trên thị trường chuyển nhượng với 3 tân binh đến từ Than Quảng Ninh.

10.000 chữ ký “cầu cứu” của Hội cổ động viên Than Quảng Ninh

KHÁNH AN |

Đơn kiến nghị cùng hàng nghìn chữ ký của Hội cổ động viên Than Quảng Ninh đã được gửi lên các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trước những khó khăn của đội bóng.

Đề nghị kỷ luật nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Vương Trần |

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Sớm nghiên cứu nguồn kinh phí hỗ trợ đoàn viên, người lao động mất việc làm

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ nêu yêu cầu này nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị mất việc làm, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo sớm ổn định cuộc sống, đón Tết đầm ấm.

Nam ca sĩ sưu tầm 120 lá cờ khi du lịch vòng quanh thế giới

Chí Long |

Nhân dịp đầu năm mới 2023, ca sĩ Đoan Trường chia sẻ về hành trình du lịch vòng quanh thế giới và sưu tầm 120 lá cờ từ các nước mà anh từng đi qua.

Tài chính thông minh: Kế hoạch chi tiêu để Tết không liêu xiêu

Nhóm PV |

Nếu thiếu kinh nghiệm, bạn rất dễ bội chi và cháy túi vì tiêu xài quá nhiều trong dịp Tết. Trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) này, bà Nguyễn Thùy Chi - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ bật mí bí quyết để có thể cùng gia đình tiết kiệm mà vẫn đón Tết ấm áp và trọn vẹn.

Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh cân nhắc việc rút lui nếu không được hỗ trợ

ĐĂNG HUỲNH |

Chủ tịch Than Quảng Ninh, ông Phạm Thanh Hùng cân nhắc rút lui nếu đội bóng không có sự hỗ trợ của tỉnh.

Ngày phán quyết số phận Than Quảng Ninh

TRIẾT LONG |

Hôm nay (2.12), Chủ tịch Phạm Thanh Hùng sẽ có cuộc họp với huấn luyện viên Phan Thanh Hùng cùng các cầu thủ và tương lai của Than Quảng Ninh sẽ được định đoạt.

Bộ ba Than Quảng Ninh cập bến Hồng Lĩnh Hà Tĩnh

Thanh Vũ |

Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tiếp tục tạo bất ngờ trên thị trường chuyển nhượng với 3 tân binh đến từ Than Quảng Ninh.

10.000 chữ ký “cầu cứu” của Hội cổ động viên Than Quảng Ninh

KHÁNH AN |

Đơn kiến nghị cùng hàng nghìn chữ ký của Hội cổ động viên Than Quảng Ninh đã được gửi lên các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trước những khó khăn của đội bóng.