Những kẻ xứng đáng
Vào lúc 2h sáng ngày 30.5 (giờ Việt Nam), người hâm mộ bóng đá sẽ sống trong thời khắc được chờ đợi nhất mùa giải 2020-2021, với trận chung kết Champions League giữa Manchester City và Chelsea tại Porto (Bồ Đào Nha)
Người Anh rất tự hào khi các đại diện Premier League đã lấy lại vị thế ở Châu Âu, với trận chung kết thứ 3 trong 4 mùa giải gần đây có đại diện của họ. Đây cũng là lần thứ hai trong 3 năm trở lại đây, trận chung kết Champions League là chuyện nội bộ của xứ sở sương mù.
Có ý kiến cho rằng, khi 2 đội bóng này mới chỉ có tổng cộng 4 lần vào chung kết (Man City lần đầu tiên, Chelsea lần thứ ba) và 1 chức vô địch (Chelsea năm 2012), trận đấu đêm nay “không xứng tầm” với lịch sử, truyền thống và tầm cỡ của Champions League. Tuy nhiên, đó là sự phủ nhận những gì họ làm được.
Và nên nhớ, lịch sử nào, truyền thống nào cũng cần có những viên gạch đầu tiên. Lịch sử của Man City và Chelsea sẽ bắt đầu ở sân Dragao thuộc Porto - đội bóng duy nhất để lại “dấu ấn thú vị” trên hành trình của 2 đội. Porto là đội duy nhất ghi bàn, lấy điểm trước Man City ở vòng bảng và cũng là đội duy nhất thắng được Chelsea (lượt về tứ kết).
Man City chỉ nhận thêm 3 bàn thua nữa ở vòng knock-out và ghi tổng cộng 25 bàn, trong khi nhiều người nói về “Chelsea của Thomas Tuchel” mà quên rằng, “Chelsea của Frank Lampard” cũng chỉ để thủng lưới 2 lần tại vòng bảng.
Họ đã đi trên hành trình ổn định nhất, chinh phục những đối thủ rất mạnh để xứng đáng tranh chức vô địch.
Bài học từ Manchester United
2 cái tên xứng đáng vào chơi trận chung kết để đi tìm đội xứng đáng nhất. Nhưng có điều cần nhớ, ở Dragao, mọi thống kê từ quá khứ, mọi cuộc đối đầu, hay kể cả những yếu tố mà người ta gọi là “điềm báo”… tất cả đều vô nghĩa. Họ chiến đấu bằng thực tại, với đối thủ rất cụ thể của thời điểm đó chứ không phải của ngày hôm qua.
Ở chung kết, bộ mặt thực tế nhất sẽ được bộc lộ, để thấy kẻ nào bản lĩnh hơn. Với một ván bài ngửa, tỉ lệ cơ hội luôn là 50-50, chỉ là cách đánh thế nào.
Man City và Chelsea có thể nhìn Manchester United ở chung kết Europa League mới đây để lấy làm bài học. Được đánh giá cao hơn đối thủ mới lần đầu tiên vào chung kết không đồng nghĩa với chiến thắng. Tất nhiên, những nhận định về Man City và Chelsea không có sự chênh lệch như thế, nhưng đánh giá được đối thủ, tin vào bản thân ít nhất đảm bảo việc không rơi thế bị động như cách mà Ole Gunnar Solskjaer thể hiện.
Thành thật với tình yêu
Rất nhiều cầu thủ nói rằng, được vào chơi trận chung kết Champions League là “giấc mơ thành hiện thực” với họ. Nếu chỉ mơ như vậy, họ không phải là những người xứng đáng nhất để bước lên bục nhận Cúp.
Giấc mơ chỉ được hiện thực hóa khi kết thúc trận chung kết với tư cách của người chiến thắng. Và vì thế, phải “sống chết” vì nó. Man City và Chelsea đang đứng trước “tình yêu của đời mình”. Họ thể hiện điều đó thế nào để giành lấy nó?
Thành quả của tình yêu là sự ngọt ngào, lãng mạn, hạnh phúc, nhưng để đổi lấy phải hy sinh, có thể chấp nhận một sự đánh đổi nào đó. Chiến thắng chẳng bao giờ tự đến. Bằng sức mạnh, bằng thực lực, bằng khả năng chiến đấu, kể cả những chiêu trò lọc lõi, ma lanh, xù xì nhất… không chỉ các học trò mà cả Pep Guardiola và Tuchel đều phải thể hiện được.
Câu hỏi đặt ra là, khi EURO 2020 đã cận kề, nó có trở thành một rào cản tâm lý cho tinh thần chiến đấu của các cầu thủ? Những gì của ngày mai, cùng cảm xúc, là những thứ không thể được xen vào suy nghĩ của Kevin de Bruyne, Ruben Dias, Rodri Hernandez, Phil Foden hay N’Golo Kante, Mason Mount, Timo Werner, Kai Havertz…
Ngày hôm nay, chỉ hôm nay thôi, vì “bông hoa màu bạc” được đặt giữa cuộc chiến của những người đàn ông, niềm đam mê mãnh liệt, khát khao tột độ cần được giải thoát, cần được bùng nổ. Trọn vẹn cho tình yêu…