6.000 tỉ đồng là một con số lớn nếu chỉ đứng một mình, nhưng nếu chia ra cho giai đoạn 7 năm (từ 2024 đến 2030), sự đầu tư dành cho thể thao đỉnh cao cũng không nhiều hơn là bao.
Theo báo cáo của Cục Thể dục Thể thao, kinh phí cho thể thao thành tích cao trong năm 2022 là gần 686,5 tỉ đồng, năm 2023 là 710,6 tỉ đồng. Có thể thấy số tiền được đầu tư tăng lên (dù không phải là quá nhiều), nhưng thành tích lại đi xuống.
Nếu chia trung bình 6.000 tỉ đồng cho 7 năm tới, mỗi năm, thể thao thành tích cao của Việt Nam cũng chỉ được đầu tư khoảng hơn 800 tỉ đồng. Giá trị đổi lại, hay nói cách khác, mục tiêu cụ thể là gì? Đó là sự gia tăng về số lượng vận động viên dự Olympic (từ 10-12 tại Paris 2024 và trên 20 tại Olympic Los Angeles 2028) nhưng chưa đặt ra chỉ tiêu huy chương. Trong khi đó, tại 2 kỳ ASIAD 20 (năm 2026) và ASIAD 21 (năm 2030) đã mạnh dạn hơn với chỉ tiêu huy chương - 5 đến 6 và 7 đến 8.
SEA Games thì không nói, bởi thể thao Việt Nam hiện tại đã có thể tự tin giữ vị trí trong Top 3.
Vấn đề ở đây là, nguồn kinh phí vẫn chủ yếu từ 3 hướng: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và xã hội hóa. Với chỉ như vậy, rõ ràng, 6.000 tỉ đồng là một con số lớn. Và khi thể thao vốn là ngành “tiêu tiền” chứ không “kiếm tiền” như du lịch, con số đó sẽ càng được nhấn mạnh hơn nếu không đi đôi với thành tích.
Mà khi chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là thực hiện nhiều giải pháp, từ địa phương tới trung ương, tích cực hợp tác quốc tế, giả sử, lực lượng tài năng trẻ, vận động viên phát triển nhiều hơn - tín hiệu tích cực, thì hơn 800 tỉ đồng cho 1 năm liệu có đủ? Vậy thì 6.000 tỉ đồng vẫn là không đủ. Vẫn sẽ phải cân nhắc đầu tư vào đâu có trọng điểm, vẫn phải giật gấu vá vai thay vì mạnh dạn hướng đến các yếu tố có thể nâng cao thành tích vận động viên...
Đúng là mọi thứ cần phải đi từng bước, nhưng thể thao Việt Nam cần quan tâm và đẩy mạnh hơn việc kiếm tiền, như Diễn đàn kinh tế thể thao tổ chức vào giữa năm nay đã đề cập.