Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đã chia sẻ 1 câu chuyện xúc động về cụ ông 70 tuổi tại Hong Kong (Trung Quốc) chăm sóc vợ mắc chứng Alzheimer, trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến những người cao tuổi càng trở nên dễ bị tổn thương hơn.
Sau khi chăm sóc vợ cả ngày, cụ Lam Man-hing, 70 tuổi, dành một chút thời gian trước khi đi ngủ để đọc tin tức, kiểm tra tin nhắn từ bạn bè trên điện thoại và xem 1 số chương trình tivi trong khi người vợ Tang Siu-man, 74 tuổi, đang ngủ bên cạnh. Thỉnh thoảng cụ Lam ngắm nhìn vợ và giữ âm lượng tivi thấp để không làm vợ thức giấc.
Cụ Tang không thể nhận ra chồng mình do mắc bệnh Alzheimer - một dạng mất trí tăng tiến dần bắt đầu bằng chứng hay quên và mất trí nhớ nhẹ, cuối cùng dẫn đến việc không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày, không nhận ra người thân và thậm chí quên tên của chính mình. Cụ Tang được chẩn đoán mắc bệnh cách đây 8 năm.
Cụ Lam luôn phải chắc chắn rằng vợ mình mang theo một tấm thiệp có tên và địa chỉ khi đi ra ngoài, đồng thời, theo dõi vị trí của vợ thông qua 1 ứng dụng di động.
“Cô ấy không nhớ tôi là ai cũng không sao. Miễn là vợ tôi cảm thấy thoải mái và an toàn bên cạnh tôi, thế là đủ. Tôi chỉ muốn làm cho vợ cảm thấy hạnh phúc mỗi giây phút chúng tôi ở bên nhau”, cụ Lam nói.
Cụ cũng chia sẻ rằng mình đã nhận được tình yêu sâu sắc, sự chăm sóc tận tình của vợ khi đi qua cơn thập tử nhất sinh trong quá khứ với căn bệnh ung thư và trải qua ba lần phẫu thuật. Khi sức khỏe ổn định hơn, cụ đã tự tay chăm sóc vợ nhiều năm qua từ việc vệ sinh cá nhân đến tắm rửa. Con trai và con gái đều đến thăm bố mẹ vào cuối tuần.
Ngoài ra, cụ Lam còn tạo một khoảng không dán những bức ảnh ghi tên mọi người trong gia đình. Mỗi ngày, cụ đều dẫn vợ đi xem các bức ảnh và nhắc về tên của từng người. Để giúp vợ thoải mái tinh thần, cụ Lam cùng vợ chơi những trò đơn giản - điều mà cụ học được từ 1 trung tâm chăm sóc người già bị chứng mất trí vài năm trước.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến những bệnh nhân như cụ Tang và người thân người chăm sóc họ. Các chuyên gia y tế cho biết bệnh nhân cao tuổi sa sút trí tuệ dễ bị tổn thương hơn trong đại dịch do họ không tự ý thức được bảo vệ bản thân khỏi nhiễm virus. Việc gián đoạn lịch trình sinh hoạt hàng ngày và ít được giao tiếp với bên ngoài dễ dẫn đến căng thẳng, trầm cảm và các vấn đề hành vi.
Alzheimer chưa có cách chữa và thường xảy ra ở những người trên 65 tuổi với nguy cơ tăng dần theo độ tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh mất trí nhớ ở Hong Kong được ước tính 5-8% trong số những người trên 65 tuổi và 20-30% trong số những người trên 80 tuổi.
Đối vợ chồng cụ Lam, cuộc sống vẫn trôi qua bình yên trong bối cảnh Hong Kong đã bắt đầu nới lỏng những hạn chế. “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc rời xa vợ, dù tình hình sức khỏe của cô ấy có tệ hơn. Điều khiến tôi lo lắng nhất là vợ tôi sẽ ra sao nếu tôi không còn. Không ai có thể chăm sóc cô ấy tốt như tôi”, cụ nói.