Tin tốt là các vaccine COVID-19 được phát triển nhằm chống lại virus dường như làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh tật ở những bệnh nhân COVID-19 ngay cả khi cả vaccine không hoàn toàn bảo vệ được họ khỏi lây nhiễm, nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan cho biết.
“Theo các thử nghiệm vaccine đã được thực hiện cho đến nay ở Nam Phi cũng như Brazil, các ứng viên đã cho thấy khả năng bảo vệ hoàn toàn khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong" - bà nói thêm.
Theo WHO, việc tiêm chủng cũng có thể làm giảm sự lây lan của các biến thể COVID-19 mới.
“Hiện nay có thông tin cho rằng nếu các bạn tiêm vaccine và bị lây nhiễm thì tải lượng virus sẽ thấp hơn nhiều. Vì vậy, khả năng lây nhiễm cho người khác có thể thấp hơn" - bà Swaminathan nói thêm.
Các nhà khoa học phát hiện các kháng thể và miễn dịch trung gian tế bào hình thành trước khi lây nhiễm COVID-19 được cho là có thể ngăn ngừa tái nhiễm. Tiêm vaccine cũng giúp các cá nhân hình thành sự bảo vệ khỏi virus.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu xem lây nhiễm trước và vaccine COVID-19 bảo vệ như thế nào trước các biến thể mới, dễ lây lan hơn của virus.
Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chia sẻ với CNBC rằng, riêng nỗ lực tăng tiêm vaccine không đủ để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh. Tiến sĩ Gottlieb nhận định, sự kết hợp giữa thời tiết ấm hơn và tăng cường tiêm chủng có thể giúp ngăn chặn biến thể này.
Trong cuộc họp ngày 12.2, chuyên gia WHO Swaminathan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay và giãn cách xã hội để kiểm soát sự lây lan của virus, kể cả những người đã tiêm chủng.