AFP đưa tin, trong 28 ngày qua, hơn 23.000 ca tử vong và 3 triệu ca nhiễm COVID-19 mới đã được báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong bối cảnh số lượng xét nghiệm giảm đi nhiều.
Giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho biết trong một cuộc họp báo: “Mặc dù số lượng đang giảm, nhưng vẫn còn rất nhiều người chết và vẫn còn rất nhiều người bị bệnh”.
Ông Ryan nói, các loại virus đường hô hấp không chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn lưu hành, mà thay vào đó chuyển sang giai đoạn hoạt động ở mức độ thấp với các đỉnh dịch có khả năng xảy ra theo mùa.
“COVID-19 vẫn còn biến động. Nhiều khả năng chúng ta sẽ thấy một con đường gập ghềnh dẫn đến một mô hình dễ đoán hơn” - ông Ryan nói.
Ủy ban khẩn cấp của WHO về COVID-19 họp ba tháng một lần và dự kiến họp vào đầu tháng 5.
Như tại các cuộc họp trước đó, WHO sẽ quyết định liệu COVID-19 có còn tạo thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) hay không - mức cảnh báo cao nhất mà cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc có thể đưa ra.
WHO tuyên bố COVID-19 là PHEIC vào ngày 30.1.2020, khi có chưa đến 100 ca mắc và không có ca tử vong nào bên ngoài Trung Quốc.
Nhưng phải đến Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mô tả tình hình là đại dịch vào tháng 3.2020 thì thế giới mới bắt đầu hành động.
Ông Ryan cho biết virus sẽ không bị loại bỏ và giống như bệnh cúm, sẽ vẫn gây ra bệnh hô hấp nặng ở những người dễ bị tổn thương.
Một số quốc gia vẫn có số lượng lớn những người dễ bị tổn thương chưa được tiêm phòng, trong khi ở những quốc gia khác, COVID-19 không còn là một sự kiện khẩn cấp nữa.
Ủy ban COVID-19 sẽ đưa ra lời khuyên cho ông Tedros - người có tiếng nói cuối cùng - về việc liệu virus có còn cấu thành PHEIC hay không.
“Tôi hy vọng rằng khi ủy ban khẩn cấp họp vào tháng 5, họ sẽ có thêm lời khuyên cho tiến sĩ Tedros về quỹ đạo đại dịch và PHEIC” - ông Ryan nói.