Gần 2/3 tổng số thiên thạch được tìm thấy trên Trái đất có nguồn gốc từ Nam Cực. Tính chất lạnh và khô của lục địa đóng băng giúp bảo tồn những tảng đá ngoài Trái đất này và màu tối cũng khiến chúng nổi bật trên nền băng và tuyết.
Các thiên thạch ban đầu là một phần của các hành tinh khác, vì vậy, chúng đã mang lại nhiều manh mối có giá trị về bản chất, nguồn gốc và sự tiến hóa của các hành tinh trong Hệ Mặt trời.
Khi thiên thạch rơi xuống Nam Cực thường hạ cánh xuống những vùng tuyết phủ trải dài 98% lục địa. Theo thời gian, tuyết tích tụ ở đó, đông lại và trở thành băng, chôn vùi những tảng đá không gian vào những tảng băng chảy về phía rìa lục địa.
Hầu hết các thiên thạch Nam Cực bị băng cuốn vào đại dương. Tuy nhiên, một số lại tập trung trên bề mặt của những khu vực băng xanh - nơi gió và các yếu tố khác khiến băng có màu xanh.
Nếu băng ở Nam Cực chảy và các đặc điểm khác của khí hậu và địa hình phù hợp, các thiên thạch có thể vẫn lộ ra trên bề mặt băng xanh và các nhà nghiên cứu có thể dễ dàng thu hồi chúng trong các nhiệm vụ nghiên cứu thực địa. Gần như tất cả các thiên thạch ở Nam Cực được tìm thấy cho đến nay đều được phục hồi từ các khu vực băng xanh.
Nhiều khu vực băng xanh với nhiều thiên thạch được biết đến ngày nay đã được tìm thấy nhờ sự may mắn tuyệt đối và kinh nghiệm đúc rút được trong các nhiệm vụ trinh sát tốn kém. Hiện các nhà khoa học đã phát triển một chiến lược mới dựa trên trí tuệ nhân tạo.
"Chúng tôi đã tìm thấy một số khu vực chưa được khám phá có tiềm năng lớn để tìm thấy thiên thạch", tác giả chính của nghiên cứu Veronica Tollenaar từ Đại học Tự do Brussel ở Bỉ nói với Space.com.
Trong nghiên cứu mới, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phần mềm AI để phân tích dữ liệu vệ tinh của toàn bộ bề mặt Nam Cực. Mục đích là xác định các khu vực có nhiều khả năng chứa các thiên thạch chưa được khám phá, dựa trên những điểm tương đồng với các khu vực có thiên thạch từng được khai quật.
AI đã xác định được hơn 600 khu vực tiềm năng giàu thiên thạch trên lục địa, bao gồm nhiều khu vực hiện chưa được khám phá. Một số khu vực tương đối gần với các trạm nghiên cứu hiện có ở Nam Cực. Hơn 45.000 thiên thạch được phục hồi từ Nam Cực cho đến nay chỉ chiếm 5% đến 13% tổng số thiên thạch ở đó, vẫn còn 300.000 thiên thạch chưa từng được khám phá.
Nhóm khoa học ngày 26.1 đã trình bày chi tiết những phát hiện mới trên tạp chí Science Advances.