Các chỉ huy ở Ukraina nói với tờ báo rằng, đạn pháo dẫn đường bằng vệ tinh đặc biệt dễ bị tổn thương bởi công nghệ gây nhiễu của Nga.
Liên Xô đã đầu tư rất nhiều vào chiến tranh điện tử (EW) trong những năm 1980, coi công nghệ gây nhiễu là bức tường thành quan trọng chống lại tên lửa dẫn đường và đạn pháo mà Mỹ bắt đầu phát triển vào thời điểm đó.
Trong khi các loại vũ khí như đạn pháo Excalibur từ những năm 1990 được Mỹ sử dụng để gây ra tác động tàn khốc ở Iraq và Afghanistan, thì các quan chức và nhà phân tích ở Washington đã kết luận rằng, chúng kém hiệu quả hơn nhiều so với một đối thủ ngang hàng như Nga.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm và duy trì, ông William LaPlante nói với tờ WSJ: “Người Nga thực sự rất giỏi trong việc can thiệp vào các loại đạn dẫn đường”.
Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Ben Hodges - người từng dự đoán vũ khí phương Tây sẽ giúp Ukraina giành lại Crimea vào mùa đông năm ngoái - chung nhận định: “Có lẽ chúng tôi đã đưa ra một số giả định sai lầm vì trong 20 năm qua, chúng tôi đã phóng vũ khí chính xác nhưng không thể làm gì. Nga thực sự có khả năng ngăn chặn các loại vũ khí này”.
Một số hệ thống vũ khí tiên tiến nhất của NATO cũng gặp số phận tương tự ở Ukraina. Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) - mới được phát triển trong dự án chung của Boeing ở Mỹ và Saab ở Thụy Điển - đã được cung cấp cho Ukraina vào đầu năm nay. Quân đội Ukraina bắn những quả bom dẫn đường bằng GPS này trước cả các đối tác Mỹ. Tuy nhiên, GLSDB đã bị rút khỏi chiến trường sau khi tỏ ra hoàn toàn không hiệu quả trước EW của Nga.
Tương tự như vậy, binh sĩ Ukraina nói với WSJ, EW của Nga đã làm giảm đáng kể độ chính xác của tên lửa GMLRS do phương Tây cung cấp cho Kiev, được bắn từ hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS.
Giống như đạn Excalibur, tên lửa GMLRS từng được các chuyên gia và giới phân tích thân Kiev mô tả là “kẻ thay đổi cuộc chơi”, có thể xoay chuyển cuộc xung đột theo hướng có lợi cho Ukraina.
Nga từ lâu đã khẳng định không hệ thống vũ khí phương Tây nào có thể ngăn cản nước này giành được chiến thắng.
Tuần trước, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo rằng việc cung cấp những loại vũ khí này là một “dự án vô ích” và sẽ chỉ khuyến khích Ukraina phạm thêm tội.