Việt Nam: Đối tác tiềm năng của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

VÂN ANH thực hiện |

Chuyên gia Carl Thayer - Giáo sư danh dự (Học viện Quốc phòng Australia - ảnh) - nhận định, Việt Nam được xác định là một đối tác tiềm năng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Việt Nam đã và sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở lần đầu tiên được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cập và sau đó thu hút sự chú ý của thế giới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ chiến lược này tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng năm 2017. Theo ông, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nên được hiểu như thế nào?

- Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã định nghĩa chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu tại Hội đồng Kinh doanh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ hôm 31.7.

Theo ông Pompeo, một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do là nơi tất cả các nước có thể bảo vệ chủ quyền của họ. Một Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở là khu vực mà tất cả các quốc gia đều có quyền tiếp cận các vùng biển và đại dương, nơi các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình. Rộng mở cũng có nghĩa là “thương mại công bằng và đối ứng, môi trường đầu tư cởi mở, các thỏa thuận minh bạch và kết nối tăng cường”.

Thuật ngữ Ấn Độ - Thái Bình Dương là một khuôn khổ mạng lưới bao gồm các liên kết thương mại, chính trị, an ninh, quốc phòng. Nói cách khác, Ấn Độ - Thái Bình Dương là một khái niệm chiến lược. Nó đã tồn tại trong thực tế quan điểm của Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Australia - tất cả đều là thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, đối tác đối thoại của ASEAN và Diễn đàn khu vực ASEAN (cùng các thành viên Nam Á khác là Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka).

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở tác động như thế nào tới các nước trong khu vực, thưa ông?

- Theo tôi, có 2 hàm ý chính trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Thứ nhất, Mỹ sẽ theo đuổi các hiệp định thương mại song phương chứ không phải đa phương.

Thứ hai, Mỹ sẽ tài trợ đầu tư hạ tầng chất lượng cao để thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua các thể chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cũng như khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng khu vực. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ không tái tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay ủng hộ Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Trong các điều khoản về an ninh và quốc phòng, Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ cam kết Mỹ sẽ phát triển “một mạng lưới kiến trúc an ninh có khả năng ngăn chặn xâm lược, duy trì sự ổn định và đảm bảo quyền tự do tiếp cận các phạm vi chung”.

Việt Nam nằm ở đâu trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương?

- Về kinh tế, Mỹ và Việt Nam đã cho thấy hai bên sẵn sàng đàm phán một hiệp định thương mại song phương “công bằng và có đi có lại”. Việt Nam và Mỹ cũng đang thảo luận về thuế đối với tôm, cá da trơn và thép, cũng như quy chế kinh tế thị trường. Trong Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ và Chiến lược Quốc phòng Mỹ, Việt Nam được xác định là một đối tác tiềm năng của Mỹ.

Việt Nam đã và sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Chẳng hạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo Chính phủ đầu tiên gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng.

Tổng thống Donald Trump không chỉ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng mà còn có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.

Cả Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đều đã thăm Việt Nam. Việt Nam đón hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ USS Carl Vinson đến thăm kể từ khi thống nhất đất nước.

Việt Nam sẽ có cơ hội hơn nữa để làm việc với Mỹ khi trở thành Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2021.

Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Biển Đông trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở?

- Khái niệm khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các tuyến giao thông đường biển từ Vịnh Persian qua Ấn Độ Dương, đến Biển Đông, Đông Bắc Á và Thái Bình Dương. Ngày càng nhiều tàu chở dầu và khí thiên nhiên, chở container, máy bay và tàu thuyền quân sự sẽ đi qua các tuyến đường biển này.

Biển Đông nằm ở trung tâm mạng lưới đường biển nói trên và điều quan trọng với Mỹ cũng như các cường quốc biển khác là đảm bảo tự do hàng không, hàng hải, đảm bảo một Biển Đông ổn định và hòa bình.

Vai trò của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở?

- ASEAN vẫn chưa quyết định cách ứng phó với khái niệm này của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nhiều người quan ngại chiến lược này có thể làm suy yếu tính trung tâm của ASEAN, nhưng Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ cũng như Chiến lược Quốc phòng Mỹ đều ủng hộ tính trung tâm của ASEAN. Quả bóng hiện đang trong chân của ASEAN. Liệu ASEAN sẽ trở nên chủ động hơn hay trở thành người ngoài cuộc?

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ mới đây ở Singapore, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố cam kết 300 triệu USD cho hợp tác an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trước đó, Mỹ cam kết 113 triệu USD cho Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông có so sánh gì với sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc?

- Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc bao phủ khu vực địa lý rộng hơn Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm cả vùng đất Á-Âu, bờ biển Đông Phi và Châu Đại Dương, ước tính lên đến 1.000 tỉ USD. Nếu chỉ nhìn vào con số 413 triệu USD của Mỹ thì rõ ràng là khiêm tốn. Nhưng cần nhớ rằng Ngoại trưởng Pompeo ngụ ý nói sẽ còn nhiều khoản cam kết tiếp theo.

Và ông Pompeo cũng lưu ý, chỉ khu vực tư nhân mới có khoản tiền khổng lồ để đầu tư đáp ứng nhu cầu hạ tầng của khu vực, và Chính phủ Mỹ sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia.

- Xin cảm ơn ông!

Tại Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ ba với chủ đề “Hướng tới xây dựng cấu trúc an ninh khu vực” do Quỹ Ấn Độ (India Foundation) phối hợp với Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức ngày 27-28.8, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương: “Hai đại dương được gắn kết không chỉ về mặt địa lý, mà còn qua sự tương tác thường xuyên với nhau trên nhiều lĩnh vực. Ngày nay, mối quan hệ giữa hai đại dương này đang ngày càng lớn mạnh”.

Phó Thủ tướng khẳng định, trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức, mong muốn về một khu vực hoà bình, ổn định và thịnh vượng đang ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj cũng nhấn mạnh, kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nói chung, Ấn Độ với ASEAN và Việt Nam nói riêng không chỉ là kết nối trên biển mà còn là sự chia sẻ về tầm nhìn, mong muốn về một cơ chế khu vực tạo điều kiện giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, hướng tới việc duy trì và thúc đẩy hoà bình, hợp tác, phát triển cho các quốc gia.

VÂN ANH thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Mỹ sẽ chi 113 triệu USD cho an ninh mạng và cơ sở hạ tầng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Phong Lâm |

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ 2 đã công bố 3 sáng kiến ​​trong lĩnh vực hợp tác kinh doanh với các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APR).

Ý tưởng và tầm nhìn kết nối Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương

HẢI ANH |

Trong buổi gặp gỡ, nói chuyện trước khoảng 300 chính khách, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả và sinh viên Ấn Độ tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru ở thủ đô New Delhi ngày 4.3, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang nhận định, trong 2 thập niên đầu thế kỷ 21, thế giới trải qua những biến chuyển nhanh chóng, sâu sắc và toàn diện và sự trỗi dậy của Châu Á là “sự chuyển dịch mạnh mẽ nhất, khơi dậy nhiều cảm hứng nhất”.

Thúc đẩy hợp tác, phát triển trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

H.L |

Sáng 20.1, tại Hà Nội diễn ra phiên họp toàn thể về các vấn đề hợp tác và phát triển trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Những góc quán cafe ngắm pháo hoa lý tưởng ở TPHCM

Quỳnh Nga |

Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, TPHCM dự kiến bắn pháo hoa ở 6 điểm. Đừng bỏ qua những địa điểm ngắm pháo hoa ở TPHCM cực “chill” dưới đây.

Bộ Tài chính nói gì về gói lãi suất 2% chậm giải ngân

Trà My |

Việc giải ngân gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2% đến nay kết quả chưa được như kì vọng. Bộ Tài chính nói gì về đề xuất điều chuyển nguồn gói vay hỗ trợ lãi suất này sang chương trình cho vay giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội?

Giờ thứ 9: Giả điên - Phần 1

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Dường như mối tình đầu luôn là mối tình đẹp nhất, để lại nhiều dư vị ngọt ngào nhất của tuổi trẻ. Nhưng mối tình đầu cũng luôn buồn nhất và nhiều chia ly nhất. Chắc hẳn, đó sẽ là mối tình không bao giờ quên được vì nó chính là những rung động đầu tiên đối với mỗi người. Và sẽ chẳng có ai tin rằng, có những người chia tay mối tình đầu sau vài chục năm xa cách, lại có thể quay trở về chung sống với nhau thật hạnh phúc.

Tài chính thông minh: Đầu tư gì với 30 triệu đồng tiết kiệm mỗi tháng?

Nhóm PV |

Trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) lần này, Ths Ngô Thành Huấn - Giám đốc Khối tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về câu hỏi tiết kiệm từ 10 - 30 triệu đồng/tháng thì nên đầu tư vào đâu.

Tân huấn luyện viên tuyển Việt Nam và sứ mệnh kế thừa di sản của ông Park

AN NGUYÊN |

Sau khi chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo, VFF sẽ tiến hành công bố tân thuyền trưởng cho đội tuyển Việt Nam. Áp lực và sứ mệnh đặt lên vai người kế nhiệm ông Park rất lớn, vừa đảm bảo duy trì thành công, vừa hướng đến một hoài bão lớn đó là giấc mơ World Cup.

Mỹ sẽ chi 113 triệu USD cho an ninh mạng và cơ sở hạ tầng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Phong Lâm |

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ 2 đã công bố 3 sáng kiến ​​trong lĩnh vực hợp tác kinh doanh với các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APR).

Ý tưởng và tầm nhìn kết nối Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương

HẢI ANH |

Trong buổi gặp gỡ, nói chuyện trước khoảng 300 chính khách, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả và sinh viên Ấn Độ tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru ở thủ đô New Delhi ngày 4.3, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang nhận định, trong 2 thập niên đầu thế kỷ 21, thế giới trải qua những biến chuyển nhanh chóng, sâu sắc và toàn diện và sự trỗi dậy của Châu Á là “sự chuyển dịch mạnh mẽ nhất, khơi dậy nhiều cảm hứng nhất”.

Thúc đẩy hợp tác, phát triển trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

H.L |

Sáng 20.1, tại Hà Nội diễn ra phiên họp toàn thể về các vấn đề hợp tác và phát triển trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.