Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ngày 31.1 đã chủ trì phiên họp tổng kết các hoạt động trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 1.2020, mở đầu nhiệm kỳ thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an 2020-2021 của Việt Nam. Phiên họp tổng kết thu hút hơn 100 đại diện quốc gia thành viên, quan sát viên Liên Hợp Quốc tham dự, trong đó có 23 đại sứ, trưởng phái đoàn.
Đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngay tháng mở đầu năm kỷ niệm 75 năm thực hiện Hiến chương Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề ưu tiên trong tháng là thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Sáng kiến thứ hai của Việt Nam trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an là tổ chức lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an một cuộc họp về thúc đẩy hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và ASEAN.
Ngoài các đề xuất nêu trên, trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch, Hội đồng Bảo an đã phản ứng rất kịp thời trước những vấn đề nảy sinh, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, trong đó có những vấn đề nổi lên như Syria, Libya, tiến trình hòa bình Trung Đông, Yemen, Tây Phi, Mali, Cộng hòa Trung Phi, Síp, Colombia, Nam Sudan… Việt Nam đã đáp ứng tất cả các sáng kiến và đề nghị của các nước, vận dụng sáng tạo các luật lệ, thông lệ của Hội đồng, thúc đẩy việc xây dựng đồng thuận đề Hội đồng để ra được các quyết định kịp thời.
Tổng kết tháng Việt Nam là Chủ tịch, Hội đồng Bảo an đã tổ chức 30 hoạt động chính thức, trong đó có 2 cuộc thảo luận mở, 8 cuộc họp nghe báo cáo và 4 cuộc họp thông qua nghị quyết được phát trực tiếp trên hệ thống thông tấn của Liên Hợp Quốc.
Phát biểu tại phiên họp tổng kết, đại diện các nước cho rằng Việt Nam đã xây dựng chương trình nghị sự hợp lý, xử lý linh hoạt các vấn đề phức tạp nảy sinh, ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc cung cấp thường xuyên, trong chức trách của Chủ tịch, thông tin về công việc của Hội đồng Bảo an cho các nước không phải thành viên Hội đồng Bảo an, cho các tổ chức phi chính phủ và báo chí.
Trả lời phỏng vấn TTXVN, ông Marc Pecsteen de Buytswerve - Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Bỉ tại Liên Hợp Quốc (Bỉ là nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, đồng thời cũng sẽ là Chủ tịch Hội đồng tháng 2.2020) cho biết: "Thật khó khi bắt đầu nhiệm kỳ mà phải đảm nhận vị trí Chủ tịch ngay như vậy, sẽ có rất nhiều thách thức, tuy nhiên Việt Nam đã làm rất tốt và đã thực sự tạo được dấu ấn với Phiên thảo luận mở về 75 năm Hiến chương Liên Hợp Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh cả Liên Hợp Quốc cũng như thế giới có rất nhiều căng thẳng như hiện nay”.
Trong khi đó, ông Dian Triansyah Djani - Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Indonesia tại Liên Hợp Quốc nhận định: "Việc đưa vấn đề hợp tác Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – Liên Hợp Quốc ra Hội đồng Bảo an thực sự là cơ hội vàng, có ý nghĩa hết sức quan trọng".
Đại sứ Indonesia tại Liên Hợp Quốc khẳng định Việt Nam đã đảm trách xuất sắc vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an và điều này đã góp phần nâng tầm vị thế ASEAN một cách rõ rệt.
Bà Anne Gueguen, Đại biện - Phó Trưởng phái đoàn đại diện Pháp tại Liên Hợp Quốc đánh giá cao "sự khéo léo và hiệu quả" của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch. “ Tôi rất ấn tượng với những gì Đại sứ Đặng Đình Quý và nhóm cộng sự của ông đã làm được trong suốt một tháng qua tại Hội đồng Bảo an. Công việc đã rất suôn sẻ, dù rằng không hề dễ dàng chút nào. Tôi xin chúc mừng Việt Nam vì những gì các bạn đã làm được".