Vaccine Pfizer-BioNTech - “vũ khí hữu hiệu” giúp Mỹ chế ngự COVID-19

Tường Linh (tổng hợp) |

Từ chỗ là một điểm nóng COVID-19 của thế giới, Mỹ đã đảo ngược tình thế và kiểm soát thành công sự lây lan của dịch bệnh. Điều này chỉ diễn ra sau khi Mỹ triển khai rộng hoạt động tiêm chủng vaccine COVID-19, trong đó sản phẩm của Pfizer-BioNTech giống như “thanh kiếm báu” giúp chính quyền Mỹ có được thắng lợi.

Vaccine đầu tiên được phê chuẩn sử dụng khẩn cấp

Tháng 11.2020, nước Mỹ chìm trong cái bóng khổng lồ của dịch COVID-19. Thời điểm ấy, có ngày Mỹ ghi nhận hơn 310.000 ca mắc COVID-19 mới và hơn 4.000 ca tử vong trong 24 giờ. Lúc này Mỹ đang ở trong làn sóng lây lan dịch thứ ba, với biến chủng virus SARS-CoV-2 mới có tốc độ lây lan nhanh và mạnh hơn, trong khi người dân đã chán ngán các biện pháp hạn chế, giãn cách chống dịch của những đợt bùng phát trước đó.

Truyền thông thế giới tràn ngập hình ảnh tang thương chết chóc về hậu quả dịch bệnh gây ra tại Mỹ, với lò thiêu xác hoạt động 24/24, thi thể nạn nhân chưa thiêu hết phải để trong hàng loạt xe lạnh, bệnh viện quá tải, nhân viên y tế làm việc tới kiệt sức... Nước Mỹ đã phải trả cái giá đắt cho sai lầm trong chính sách chống dịch.

Nhưng cũng trong tháng 11, các tin tức tốt lành đầu tiên xuất hiện. Nhiều hãng dược tuyên bố đã chế được vaccine chống COVID-19, sau khi dồn lực nghiên cứu. Đáng chú ý là vaccine của liên minh Pfizer-BioNTech, được tuyên bố cho hiệu quả phòng ngừa COVID-19 tới hơn 90%.

Tháng 12.2020, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer-BioNTech để chống dịch COVID-19. Đây cũng là vaccine COVID-19 đầu tiên của thế giới được một cơ quan chức năng về y tế cấp phép sử dụng rộng rãi tại một quốc gia. Vaccine của Moderna cũng nhanh chóng được FDA phê duyệt để sử dụng khẩn cấp. Loại vaccine thứ 3 được Mỹ phê chuẩn sử dụng khẩn cấp là của công ty Johnson & Johnson sản xuất, vào tháng 2.2021.

Không lâu sau đó, Mỹ dần “tụt hạng” rồi biến mất khỏi bảng xếp hạng những quốc gia có tỉ lệ lây lan dịch lớn nhất, cũng như số lượng tử vong vì COVID-19 cao nhất. Giữa tháng 5 này, giới chức y tế Mỹ tuyên bố mỗi ngày chỉ còn khoảng hơn 500 ca tử vong vì COVID-19. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3.2020, khi đại dịch bắt đầu quá trình lan rộng ra khắp nước Mỹ. Số ca mắc COVID-19 mới cũng tụt xuống chỉ còn khoảng 17.700 ca trong ngày 17.5, mức thấp nhất kể từ tháng 6.2020.

Sự thay đổi cục diện chóng mặt này được đánh giá là nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine COVID-19 rất tích cực ở Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết tính đến 20.5, Mỹ đã tiêm hơn 279 triệu liều vaccine COVID-19 cho người dân, chiếm khoảng 18% trong tổng số hơn 1,5 tỉ liều vaccine tiêm trên thế giới. 160 triệu người Mỹ, tức gần 50% dân số, đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine COVID-19. Hơn 126 triệu người, khoảng 40% dân số, được tiêm đủ số liều cần thiết.

Với nhóm người trên 65 tuổi - nhóm có nguy cơ cao sẽ bị bệnh nặng hoặc tử vong - có tới gần 85% đã được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 70% đã được tiêm đủ số liều cần thiết. Trong tháng 5, Mỹ đã mở rộng đối tượng tiêm chủng sang nhóm trẻ vị thành niên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden lạc quan tuyên bố sẽ đạt mục tiêu tiêm ít nhất 1 liều vaccine cho 70% dân số trước ngày 4.7. Giới quan sát đánh giá nếu giữ nhịp độ tiêm vaccine như hiện nay, tới tháng 9 sẽ có 185 triệu người, hay 88% người trưởng thành ở Mỹ, được tiêm vaccine COVID-19. Khi ấy, người Mỹ có thể tự hào rằng họ đã chế ngự được dịch bệnh nhờ vaccine.

Hiệu quả ngừa virus và biến thể rất cao

Trước dịch COVID-19, để sản xuất một loại vaccine chống bệnh truyền nhiễm thường người ta phải mất vài năm nghiên cứu. Nhân loại cũng chưa từng có bất kỳ loại vaccine nào để ngăn chặn một căn bệnh truyền nhiễm liên quan tới virus corona.

Nhưng sau khi virus SARS-CoV-2 được phát hiện vào tháng 12.2019, công ty BioNTech (Đức) đã xem xét nghiên cứu vaccine từ ngày 10.1.2020, thời điểm bộ gene của virus được Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch Trung Quốc công bố.

Hoạt động phát triển vaccine bắt đầu khi sáng lập viên BioNTech là Uğur Şahin đọc được một bài viết trên tuần báo khoa học The Lancet nhận định virus corona chủng mới ở Trung Quốc sẽ gây dịch trên toàn cầu. Vì thế ông cho hủy hoạt động nghỉ phép của các nhà khoa học của công ty, tập hợp họ về công ty để tìm cách chế vaccine COVID-19.

BioNTech khởi động 'Dự án Lightspeed' để chế vaccine dựa trên công nghệ mRNA (phân tử RNA đã được chỉnh sửa mã di truyền) mà họ đã làm chủ, kể từ khi nhà nghiên cứu mRNA hàng đầu là Katalin Karikó gia nhập công ty hồi năm 2013.

Để kích hoạt phản ứng miễn dịch, nhiều loại vaccine thường đưa mầm bệnh yếu hoặc bất hoạt vào cơ thể chúng ta. Tuy nhiên vaccine dùng công nghệ mRNA không sử dụng phương thức này. Thay vào đó, chúng "dạy" các tế bào của chúng ta cách tạo ra một protein - hay chỉ là một mảnh protein đặc biệt - thứ sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể. Phản ứng miễn dịch sẽ tạo ra các kháng nguyên để bảo vệ chúng ta không nhiễm bệnh nếu virus thực sự xâm nhập cơ thể.

Sử dụng công nghệ mRNA, BioNTech đã tạo ra nhiều phiên bản vaccine trong các phòng thí nghiệm ở Mainz, Đức, và 20 trong số đó đã được chuyển tới cho các chuyên gia đánh giá chất lượng tại Viện nghiên cứu Paul Ehrlich. Mẫu BNT162b2 được đánh giá cao nhất.

Công nghệ được BioNTech sử dụng để tạo vaccine BNT162b2 dựa trên việc sử dụng một mRNA có chứa mã di truyền đặc biệt sẽ khiến tế bào trong cơ thể tạo ra một loại protein giống loại nằm trên bề mặt virus SARS-CoV-2. Khi thấy protein này, cơ thể sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch, sinh ra các kháng thể cần thiết để ngăn virus thực sự.

Những tiến bộ trong việc nghiên cứu vaccine của BioNTech nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới đầu tư và các "gã khổng lồ" của ngành dược. Tháng 3.2020, BioNTech nhận khoản đầu tư trị giá 135 triệu USD từ tập đoàn Fosun của Trung Quốc. Đổi lại Fosun nhận 1,58 triệu cổ phiếu của BioNTech, được tham gia vào hoạt động phát triển cũng như hưởng quyền lợi tiếp thị mẫu vaccine BNT162b2 ở Trung Quốc.

Tháng 4.2020, BioNTech ký thỏa thuận hợp tác với Pfizer trị giá 185 triệu USD. Liên tiếp sau đó, công ty còn nhận thêm nhiều khoản đầu tư trị giá hàng trăm triệu USD khác từ Liên minh châu Âu và riêng nước Đức.

Các khoản đầu tư lớn giúp liên minh Pfizer-BioNTech nhanh chóng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu vaccine. Thử nghiệm giai đoạn I và II của vaccine diễn ra tại Đức từ ngày 23.4.2020 và tại Mỹ từ ngày 4.5.2020, với 4 ứng viên vaccine được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn II và III của việc thử nghiệm ứng viên vaccine tiềm năng hàng đầu

"BNT162b2" bắt đầu từ tháng 7. Giai đoạn III kết thúc khi các nhà nghiên cứu xác định vaccine có hiệu lực ngăn ngừa COVID-19 lên tới 94% với 2 mũi tiêm. Kết quả nghiên cứu sau đó đã được công bố vào ngày 18.11.2020.

Tháng 12.2020, FDA cho phép sử dụng vaccine của Pfizer-BioNTech trên người từ 16 tuổi trở lên. Ngày 10.5 vừa qua, FDA tiếp tục mở rộng việc sử dụng vaccine trên người từ 12 tới 15 tuổi mà không cần phải thay đổi liều lượng.

Được biết vaccine Moderna cũng sử dụng công nghệ mRNA giống như Pfizer-BioNTech và hiệu lực ngăn chặn bệnh cũng rất cao, lên tới hơn 90%. Chưa hết vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna còn có hiệu quả chống lại nhiều biến thể virus corona chủng mới bao gồm biến thể B.1.617 đang hoành hành ở Ấn Độ (đã có mặt ở Việt Nam).

Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng bày tỏ quan ngại về biến thể B.1.617 vì nó mang một số đột biến làm tăng khả năng lây nhiễm. Ngoài ra biến thể này cũng có khả năng "lẩn tránh" các kháng thể trong cơ thể con người.

Tiêm vaccine là cách duy nhất để thắng dịch

Ngoài việc có hiệu lực chống lại virus cao, vaccine của Pfizer-BioNTech không còn cần phải được bảo quản bằng những điều kiện khắt khe như giai đoạn ban đầu nữa. Cụ thể khi mới được phê chuẩn sử dụng, FDA yêu cầu phải bảo quản vaccine Pfizer-BioNTech trong nhiệt độ đông lạnh từ -60 độ tới -80 độ C. Đây là trở ngại chính, bởi không phải nơi nào cũng có các kho lạnh đáp ứng yêu cầu này.

Dưới áp lực của cơ quan quản lý dược phẩm nhiều nước cũng như áp lực cạnh tranh, Pfizer đã dần tăng nhiệt độ bảo quản vaccine. Tháng 2 năm nay, Pfizer tuyên bố vaccine có thể được bảo quản ở nhiệt độ -25°C đến -15°C trong vòng 2 tuần mà vẫn duy trì độ ổn định và hiệu quả ngăn ngừa dịch. Cũng trong tháng 2, FDA đã nới lỏng điều kiện bảo quản vaccine Pfizer-BioNtech ở mức "tối đa 2 tuần" trong nhiệt độ phổ biến ở các tủ lạnh bảo quản dược phẩm. Ngày 19.5, FDA ra thông báo mới nói rằng vaccine này có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh y tế trong vòng 1 tháng.

FDA khẳng định quyết định mới được đưa ra dựa trên đánh giá các dữ liệu do Pfizer cung cấp gần đây. Sự thay đổi này có nghĩa vaccine Pfizer-BioNtech sẽ dễ dàng tiếp cận người dân hơn.

Giống như nhiều loại vaccine khác, sản phẩm của của Pfizer-BioNTech cũng có tác dụng phụ với một số người được tiêm. Họ có thể bị đau và sưng tại điểm tiêm vaccine, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, khớp và bị sốt. Người tiêm liều vaccine thứ hai thường có khả năng bị sốt cao hơn hẳn so với liều đầu tiên.

Tỉ lệ phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine Pfizer-BioNTech nằm ở mức xấp xỉ 11 ca/1 triệu liều được tiêm. Theo một báo cáo do CDC Mỹ cung cấp, 71% phản ứng sẽ xảy ra chỉ trong 15 phút đầu kể từ khi tiêm vaccine, phần lớn có liên quan tới những người đã có tiền sử bị dị ứng. Cơ quan y tế Anh và Canada cũng khuyến cáo người có vấn đề về dị ứng không tiêm vaccine Pfizer-BioNTech.

Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) đã xem xét đánh giá kỹ độ an toàn của vaccine Pfizer-BioNTech. Trong kết luận công bố hồi tháng 3.2021, EMA kết luận rằng "các lợi ích của vaccine Pfizer-BioNTech trong việc ngăn chặn COVID-19 vượt quá những rủi ro mà nó có thể gây ra".

Đây dường như là lý do để Pfizer-BioNTech là một trong những loại vaccine COVID-19 được nhiều nước muốn có. Pfizer-BioNTech cũng là loại vaccine được sử dụng nhiều thứ hai thế giới, với 89 quốc gia và vùng lãnh thổ đã mua để tiêm cho dân của họ. Đứng đầu bảng là vaccine của AstraZeneca (137 quốc gia và vùng lãnh thổ), xếp thứ 3 là Moderna (37 quốc gia, vùng lãnh thổ).

Việt Nam của chúng ta cũng đã có kế hoạch mua vaccine Pfizer-BioNTech. Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam sẽ có 31 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech trong quý III và quý IV năm nay. Ngoài ra, Việt Nam còn đang trao đổi, đàm phán với nhiều đơn vị sản xuất vaccine COVID-19 như Astra Zeneca, Moderna, Gamelaya (Nga)... với mục tiêu có đủ và đa dạng vaccine phòng COVID-19 phục vụ người dân. Việt Nam cũng đẩy mạnh việc tiếp cận để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Tất cả những nỗ lực này đều nhằm đảm bảo người Việt sẽ sớm được tiêm chủng vaccine đầy đủ và toàn diện, bởi những gì đã diễn ra trên thế giới cho thấy đây là lộ trình bền vững nhất, chắc chắn nhất để chúng ta có thể chiến thắng dịch COVID-19 và sớm trở lại trạng thái bình thường.

Với mong muốn toàn bộ người dân Việt Nam, đặc biệt là những người lao động nghèo được tiêm vaccine phòng COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Báo Lao Động phát động Chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo”.

Toàn bộ kinh phí ủng hộ chương trình sẽ được chuyển tới Bộ Y tế để mua vaccine, tiêm cho công nhân, người lao động nghèo trên toàn quốc.

Mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” xin gửi về Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động bằng một trong các hình thức sau đây:

  1. Liên hệ trực tiếp Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động:

    Số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756 - 024.39232748
    Hoặc các Văn phòng đại diện Báo Lao Động trên toàn quốc.

  2. Chuyển tiền qua tài khoản:

    • STK 113000000758 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK 0021000303088 tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội.
    • STK 12410001122556 tại BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK 1005755579 tại SHB, chi nhánh Hà Nội.
    • Số tài khoản USD 115000196228 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ vaccine

  3. Hỗ trợ qua Ví Momo:

    - Mở Ví Momo .
    - Chọn chương trình “Mỗi ngày một nghìn” .
    - Thực hiện theo hướng dẫn.
    - Nội dung lời nhắn: Hỗ trợ vaccine.

  4. Hoặc hỗ trợ trực tuyến: bằng cách bấm vào nút ỦNG HỘ NGAY bên dưới.

.

Tường Linh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Cần bổ sung công nhân là đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19

Bạn đọc Đỗ Văn Nhân |

Chiều 26.5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo và kiến nghị hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lần thứ 4.

Nghệ sĩ Việt lan tỏa dự án “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo”

ĐÔNG DU |

Các nghệ sĩ Việt như Lý Nhã Kỳ, Kaity Nguyễn, ca sĩ Nguyên Vũ... đã bày tỏ sự ủng hộ với chương trình góp vaccine chống lại đại dịch COVID-19, trong đó có chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” của Báo Lao Động.

EVNHCMC tặng 100 triệu đồng cho Chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo"

Nam Dương |

Đánh giá Chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” là thiết thực, ý nghĩa, EVNHCMC đã ủng hộ 100 triệu đồng với mong muốn chia sẻ cùng công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn và chung tay đẩy lùi dịch COVID-19.

Hiệu quả vaccine Pfizer-BioNtech trong thực tế cao hơn kết quả nghiên cứu

Bảo Châu |

Theo dữ liệu thực tế tại Israel, vaccine COVID-19 Pfizer-BioNTech cho hiệu quả 94% trong ngăn ngừa lây nhiễm không triệu chứng.

FDA phê duyệt thay đổi quan trọng liên quan đến vaccine Pfizer-BioNTech

Phương Linh |

FDA cho biết sẽ chấp thuận yêu cầu thay đổi nhiệt độ bảo quản vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech.

Những góc quán cafe ngắm pháo hoa lý tưởng ở TPHCM

Quỳnh Nga |

Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, TPHCM dự kiến bắn pháo hoa ở 6 điểm. Đừng bỏ qua những địa điểm ngắm pháo hoa ở TPHCM cực “chill” dưới đây.

Sự trở lại của cổ phiếu ngành ngân hàng

Gia Miêu |

Cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn được giới đầu tư đánh giá cao khi nền giá đang về vùng hấp dẫn sau khi sụt giảm mạnh năm vừa qua.

Ronaldo và Messi cùng tỏa sáng trong trận đấu giao hữu

Văn An |

PSG của Messi và Saudi All Star, với sự xuất hiện của Ronaldo, đã cống hiến màn rượt đuổi tỉ số hấp dẫn với 9 bàn thắng.

Cần bổ sung công nhân là đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19

Bạn đọc Đỗ Văn Nhân |

Chiều 26.5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo và kiến nghị hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lần thứ 4.

Nghệ sĩ Việt lan tỏa dự án “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo”

ĐÔNG DU |

Các nghệ sĩ Việt như Lý Nhã Kỳ, Kaity Nguyễn, ca sĩ Nguyên Vũ... đã bày tỏ sự ủng hộ với chương trình góp vaccine chống lại đại dịch COVID-19, trong đó có chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” của Báo Lao Động.

EVNHCMC tặng 100 triệu đồng cho Chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo"

Nam Dương |

Đánh giá Chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” là thiết thực, ý nghĩa, EVNHCMC đã ủng hộ 100 triệu đồng với mong muốn chia sẻ cùng công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn và chung tay đẩy lùi dịch COVID-19.

Hiệu quả vaccine Pfizer-BioNtech trong thực tế cao hơn kết quả nghiên cứu

Bảo Châu |

Theo dữ liệu thực tế tại Israel, vaccine COVID-19 Pfizer-BioNTech cho hiệu quả 94% trong ngăn ngừa lây nhiễm không triệu chứng.

FDA phê duyệt thay đổi quan trọng liên quan đến vaccine Pfizer-BioNTech

Phương Linh |

FDA cho biết sẽ chấp thuận yêu cầu thay đổi nhiệt độ bảo quản vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech.