Ukraina và EU ở ngã ba đường vì thỏa thuận khí đốt Nga

Khánh Minh |

Ukraina và EU sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn về thỏa thuận quá cảnh khí đốt Nga - sẽ hết hạn trong chưa đầy 12 tháng tới.

Trong vòng chưa đầy 12 tháng, Ukraina và EU sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn: Chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga khi hợp đồng quá cảnh Ukraina hết hạn hoặc tìm cách gia hạn nguồn cung giá rẻ nhưng mang tính chính trị.

Hai năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina và cắt giảm nguồn cung khí đốt, hầu hết các nước thuộc EU đã đa dạng hóa khỏi khí đốt Nga.

Theo dữ liệu từ các nhà khai thác châu Âu, vào năm 2023, khí đốt qua đường ống của Nga chiếm chưa đến 10% tổng lượng nhập khẩu của EU, giảm từ khoảng 40% vào năm 2021. Hơn một nửa số khí đốt này đi qua Ukraina, chỉ sử dụng 10% công suất đường ống dẫn khí, đem đến doanh thu hàng năm là 800 triệu USD cho Kiev, tương đương 0,46% GDP của Ukraina. Số tiền này chủ yếu được sử dụng để thanh toán các chi phí vận hành thiết yếu, bao gồm bảo trì đường ống định kỳ và hầu như không bù đắp được các chi phí liên quan.

Với việc hợp đồng vận chuyển hiện tại sắp hết hạn vào cuối năm nay, một bước ngoặt quan trọng sắp xảy ra. Nếu thỏa thuận được gia hạn, nhiều khả năng sẽ có những thay đổi về khối lượng và cơ cấu của thỏa thuận.

Theo hợp đồng 5 năm hiện có với Ukraina, công suất vận chuyển hàng ngày của Nga là 109 triệu mét khối khí đốt. Sau khi thỏa thuận kết thúc vào tháng 12, công suất có thể sẽ giảm xuống còn 40 triệu mét khối/ngày - mức lưu lượng hiện tại qua Ukraina, khiến doanh thu càng giảm.

Vì các khoản thanh toán quá cảnh như vậy không quan trọng đối với nền kinh tế Ukraina, Kiev sẵn sàng chấm dứt quan hệ đối tác khí đốt lâu dài và đầy biến động với Nga - theo Trung tâm phân tích chính sách châu Âu (CEPA). Đồng thời, nó sẽ tạo cơ hội cho EU đẩy nhanh quá trình độc lập về năng lượng và thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga vào năm 2025, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch được nêu trong chính sách REPowerEU mang tính bước ngoặt của khối.

Các đường ống dẫn khí tại trạm máy nén Atamanskaya ở Svobodny, Amur, Nga. Ảnh: Reuters
Các đường ống dẫn khí tại trạm máy nén Atamanskaya ở Svobodny, Amur, Nga. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi quan trọng này không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm quốc gia mà đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ và dứt khoát của EU. Những diễn biến gần đây cho thấy con đường khó khăn phía trước đối với Ukraina nếu nước này quyết định chấm dứt thỏa thuận khí đốt với Nga.

Chuyến thăm tháng 1 tới Kiev của Thủ tướng Slovakia Robert Fico - nhà lãnh đạo thân thiện với Điện Kremlin - cho thấy một số quốc gia vẫn phụ thuộc vào khí đốt Nga có thể ngăn Ukraina xoay chuyển tình thế.

Theo nhà cung cấp dữ liệu năng lượng toàn cầu ICIS, những khách hàng chính như Áo, Italy và Slovakia đã nhập khẩu hoặc vận chuyển khoảng 11 tỉ mét khối khí đốt Nga qua Ukraina vào năm ngoái.

Việc tiếp tục nhập khẩu giá rẻ là một điều hấp dẫn và có thể được thúc đẩy bởi mối quan hệ chính trị với Điện Kremlin cũng như lợi ích tài chính.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Fico đã kêu gọi Ukraina gia hạn thỏa thuận quá cảnh sau cuối năm nay. Nga trước đây thường dựa vào Ukraina và Slovakia để xuất khẩu sang các khách hàng châu Âu, và mặc dù lưu lượng vận chuyển hiện chỉ bằng một phần nhỏ so với hợp đồng đã ký, Slovakia dự kiến sẽ được thanh toán đầy đủ cho 4 năm còn lại của thỏa thuận quá cảnh hàng triệu USD.

Nếu thỏa thuận với Ukraina không được gia hạn vào cuối năm 2024 và dòng chảy dừng lại, điều đó sẽ khiến thỏa thuận vận chuyển sinh lợi của Slovakia trở nên vô nghĩa đối với tập đoàn dầu khí Nga Gazprom và có khả năng tạo cho Nga một cái cớ để ngừng thanh toán.

Thủ tướng Fico biết Ukraina cần có sự hỗ trợ của toàn EU, bao gồm cả từ Slovakia, để thúc đẩy các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu và biết Ukraina phụ thuộc vào Slovakia để nhập khẩu khí đốt từ Tây Âu cũng như phát triển hoạt động kinh doanh kho dự trữ khí đốt.

Điều này đặt Ukraina vào thế khó và mặc dù Kiev khẳng định sẽ không đàm phán trực tiếp với Gazprom nhưng họ có thể bị buộc phải làm vậy.

Theo CEPA, nếu không có lập trường vững chắc và rõ ràng từ các cấp cao nhất của EU, Ukraina sẽ phải đối mặt với một thách thức khó khăn khi thoát khỏi mạng lưới phụ thuộc năng lượng phức tạp dưới áp lực từ một số quốc gia thành viên.

Khánh Minh
TIN LIÊN QUAN

Nền kinh tế hàng đầu EU gặp khó khăn

Song Minh |

Khoảng 15% công ty ở Đức - nền kinh tế hàng đầu EU - đang gặp khó khăn, chiếm tỉ lệ cao nhất trong châu Âu.

Đức tính quốc hữu hóa công ty con của gã khổng lồ dầu khí Nga

Song Minh |

Chính quyền Đức đang thảo luận về việc quốc hữu hóa công ty con của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft.

Nghịch lý xuất khẩu khí đốt Nga sang EU

Khánh Minh |

EU tiếp tục mua dầu và khí đốt Nga bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ về việc từ bỏ nguồn cung này.

Quyết liệt xử lý nồng độ cồn, có ngày phát hiện gần 4.000 tài xế vi phạm

Quang Việt |

Việc tuần tra khép kín, quyết liệt 24/24 trong dịp Tết Nguyên đán 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý hơn 10.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn từ ngày 9-11.2.

Chiêm ngưỡng ấn vàng Hoàng đế chi bảo trưng bày tại Bảo tàng ở Bắc Ninh

Trần Tuấn |

Đầu năm 2024, phóng viên Báo Lao Động có dịp chiêm ngưỡng ấn vàng Hoàng đế chi bảo, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (TP Từ Sơn, Bắc Ninh).

Cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán

Gia Miêu |

Các công ty chứng khoán đang bước vào cuộc đua tăng vốn để đón đầu cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán cùng kỳ vọng về hệ thống giao dịch mới KRX trong năm 2024.

"Mai" Phương Anh Đào: Tôi phấn khích trước thử thách của Trấn Thành

Anh Trang |

Phương Anh Đào có cuộc trò chuyện với phóng viên Lao Động khi phim "Mai" của đạo diễn Trấn Thành đang áp đảo phòng chiếu. Phương Anh Đào được Trấn Thành chọn cho vai nữ chính - Mai.

Cập nhật giá vàng sáng 12.2: Có thể tăng giá trong ngắn hạn

Khương Duy |

Cập nhật giá vàng sáng 12.2: Tính đến 5h30, giá vàng trong nước niêm yết quanh ngưỡng 76,55 - 78,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Trong khi đó, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở mức 2.024,4 USD/ounce.

Nền kinh tế hàng đầu EU gặp khó khăn

Song Minh |

Khoảng 15% công ty ở Đức - nền kinh tế hàng đầu EU - đang gặp khó khăn, chiếm tỉ lệ cao nhất trong châu Âu.

Đức tính quốc hữu hóa công ty con của gã khổng lồ dầu khí Nga

Song Minh |

Chính quyền Đức đang thảo luận về việc quốc hữu hóa công ty con của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft.

Nghịch lý xuất khẩu khí đốt Nga sang EU

Khánh Minh |

EU tiếp tục mua dầu và khí đốt Nga bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ về việc từ bỏ nguồn cung này.