Thợ lặn dễ bị “u mê” khi lặn sâu và lâu dưới nước
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, vốn là chuyên gia khảo cổ học dưới nước (Bảo tàng lịch sử quốc gia) cho biết có 4 mức độ lặn khác nhau, tùy thuộc vào độ sâu lặn được. Mức độ đầu tiên sẽ lặn sâu từ 15 - 18m, mức thứ hai lặn cứu hộ trên biển thì thợ lặn có thể xuống sâu 30m, mức độ thứ ba lặn được 50, còn mức thứ tư có thể lặn được 60m.
Ông Lâm cho biết, lặn ở dưới nước không chỉ là xuống sâu bao nhiêu mét mà còn phải có kỹ năng làm việc dưới nước, cân bằng dưới nước.
Lặn trong hang động lại là chuyện rất khác, bình khí thợ lặn bao giờ cũng pha thêm khí Ni-tơ để nhẹ hơn, ở dưới nước sẽ dễ thở hơn, Khi xuống sâu 10m nước thì phổi người chỉ co lại còn 1/2. Áp suất nước là 2kg/cm2, người thợ lặn phải chịu một áp suất rất lớn dẫn đến khó thở, hơn nữa khi lặn xuống nước thợ lặn phải đeo thêm dụng cụ nặng 40 - 50kg. Do đó bắt buộc khí thở phải nhẹ, để khí thở nhẹ thì cần pha thêm khí Ni-tơ (nồng độ 2%).
Do thời gian lặn dưới hang rất lâu do phải luồn lách trong hang rồi tìm cách lặn ra nên con người bị “u mê” bởi khí Ni-tơ, và khi bị “u mê” rồi thì không tỉnh táo để tìm thấy lối ra.
Chuyên gia khảo cổ học dưới nước phân tích thêm, trong hang địa hình hiểm trở, tầm nhìn bị tối. Ở dưới nước tầm nhìn rất quan trọng, khi tầm nhìn bằng 0 thì phải biết cách định vị để biết đi theo hướng nào ra khỏi hang bởi vậy thợ lặn phải cực kỳ chuyên nghiệp.
Những thợ lặn ở sâu dưới nước trong nhiều giờ sẽ bị hao mòn thể lực rất nhiều, nếu như không được cung cấp đầy đủ năng lượng, lương thực thì rất dễ mất mạng. Nhiều thợ lặn giữ được tính mạng thì cũng bị rút xương tay chân rất nguy hiểm.
“Nhiều thợ lặn đến 40 tuổi đã không thể lặn được nữa vì đã chịu áp lực dưới nước quá lớn trong một thời gian dài dẫn đến các sụn xương bị hao mòn. Nhiều người đến 50 tuổi thậm chí còn không đi lại được” - ông Lâm nói.
Đã xuống nước thì mạng sống là 50/50
Với trường hợp đội bóng nhí Thái Lan bị mắc kẹt, ông Lâm cho biết tìm thấy các cậu bé là một chuyện nhưng cứu hộ được các em ra lại là chuyện hoàn toàn khác bởi hang ngập nước nên bắt buộc phải biết lặn. Trong quá trình tính toán phương án giúp đội bóng nhí thoát ra khỏi hang, lực lượng cứu hộ đã tính đến phương án dạy những đứa trẻ lặn, nhưng quan trọng là phải lặn thế nào để ra được khỏi hang, cần phải biết sử dụng bình hơi, biết thở trong điều kiện hang ngập nước.
“Phải đào tạo cho những đứa trẻ biết lặn một cách sơ bộ, lặn để sống sót chứ không phải lặn để làm việc vì thời gian quá ngắn. Đã xuống nước thì tính mạng con người là 50/50, mạng sống chỉ còn một nửa, kể cả thợ lặn chuyên nghiệp cũng rất dễ mất mạng trong những trường hợp như vậy” - ông Lâm phân tích.
Chia sẻ với báo Lao Động, TS Hoàng Xuân Bền, đội trưởng đội lặn Viện Hải dương học cho biết, nhiệm vụ của các thợ lặn trong chiến dịch này không chỉ dừng lại ở khó khăn mà là nguy hiểm đến tính mạng. Việc lặn trong môi trường nước ngọt khó khăn hơn rất nhiều so với lặn trong môi trường nước mặn do trong môi trường nước ngọt, cơ thể sẽ nhẹ hơn.
Bên cạnh đó, nước trong hang Tham Luang lại quá đục, cộng thêm địa hình hang ngoằn nghèo sẽ khiến cho tầm nhìn bị hạn chế, các thợ lặn phải mò mẫm, đi theo dây.
Được đào tạo qua khóa học lặn khoa học tại CHLB Đức, TS Bền cho biết, để huấn luyện được một thợ lặn khoa học phải mất 6 tháng, còn đối với thợ lặn cứu hộ thì thời gian đó có thể phải kéo dài hơn rất nhiều. Để trở thành thợ lặn thì cần phải đảm bảo sức khỏe, chiều cao, cân nặng và đặc biệt là không có bệnh liên quan đến tim mạch và thần kinh. Một thợ lặn chỉ có thể lặn tối đa 1 giờ đồng hồ dưới nước với các thiết bị hiện đại đi kèm.
Thiết bị lặn bao gồm 2 dạng. Đối với lặn thường, trong thời gian ngắn và độ sâu bình thường, chúng ta sẽ dùng thiết bị được nạp oxy. Trong trường hợp phải lặn sâu và thời gian dài thì phải nạp khí hydro vào bình thở để làm giảm áp, tránh tai biến lặn.
Để giải cứu 12 cầu thủ của đội bóng nhí và HLV mắc kẹt tại hang Tham Luang, Thái Lan đã phải huy động hàng trăm người cho chiến dịch kéo dài gần 3 tuần, căng hết sức để tính toán phương án để đưa nạn nhân ra ngoài an toàn.
Chỉ tính riêng nhóm thợ lặn đã có tới 140 người của Thái và các nước tham gia, trong đó nhóm nòng cốt 18 người được phân công kỹ lưỡng để vượt qua chặng đường nhiều hiểm trở. Dù vẫn biết việc giải cứu sẽ vô cùng khó khăn song mọi người chỉ thực sự nhận thấy mức độ nguy hiểm của công cuộc này khi Saman Gunan, cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm SEAL của Thái thiệt mạng. Anh bị hết dưỡng khí khi đang đặt sẵn các bình oxy dọc theo một tuyến đường được cho là để giải cứu các cầu thủ bị mắc kẹt.