Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) ngày 18.3 cho biết, đã triệu tập 11 công ty công nghệ lớn bao gồm các gã khổng lồ như Tencent, Alibaba và chủ sở hữu TikTok ByteDance để họp bàn về bảo mật Internet, Reuters đưa tin.
Theo CAC, nội dung cuộc họp liên quan đến "phần mềm thoại vẫn chưa trải qua các quy trình đánh giá an toàn" và công nghệ "deepfake" - sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cắt ghép, sao chép, tạo ra một video hoặc âm thanh giả mạo giống hệt hành vi, lời nói của một nhân vật nào đó dù thực tế người này không hành động như vậy.
Mục đích của cuộc họp là nhằm đảm bảo các công ty tuân thủ các quy định, thực hiện các đánh giá an toàn và có "các biện pháp khắc phục hiệu quả" nếu phát hiện thấy các mối nguy cơ tiềm ẩn. Các công ty cũng được yêu cầu báo cáo với chính phủ Trung Quốc nếu có kế hoạch bổ sung các chức năng mới "có khả năng thu hút được nhiều người trong xã hội".
Nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi, đối thủ Kuaishou của TikTok và dịch vụ phát nhạc trực tuyến NetEase Cloud Music cũng có mặt tại cuộc họp, theo thông tin từ CAC.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đang tăng cường giám sát các gã khổng lồ trên mạng Internet của họ do lo ngại về hành vi độc quyền và nguy cơ xâm phạm quyền của người tiêu dùng. Tuần trước, 12 công ty ở Trung Quốc đã bị phạt vì bị cáo buộc vi phạm các quy tắc độc quyền.
Năm 2020, các nhà chức trách Trung Quốc đã cho tạm dừng đợt phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra thị trường với giá trị kỷ lục 34 tỉ USD của công ty con Ant Group hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) của tập đoàn Alibaba. Các cuộc điều tra sau đó đã được tiến hành về các hoạt động kinh doanh được cho là phản cạnh tranh của Alibaba.
Năm 2019, Trung Quốc đã ban hành các quy định cấm nhà cung cấp video và âm thanh trực tuyến sử dụng công nghệ AI và thực tế ảo để cho ra đời tin giả ''deepfake''.