Tham vọng của Trung Quốc nhằm xây dựng hệ thống radar quét không gian sâu hiện đại nhất thế giới - để quan sát với độ nét cao hơn - đã bước vào giai đoạn 2 hôm 14.2.
Long Teng, chủ tịch Học viện Công nghệ Bắc Kinh (BIT), đồng thời là người đứng đầu dự án cho biết sau khi hoàn thành, Trùng Khánh - trụ sở chính của dự án, sẽ trở thành “thủ đô nghiên cứu các tiểu hành tinh của thế giới”.
Ông chia sẻ với SCMP: “Việc mở rộng giai đoạn 2 của dự án radar "Mắt thần" đánh dấu cột mốc mới trong quá trình nghiên cứu của chúng tôi. Nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp lớn như dữ liệu lớn, thông tin điện tử và Internet vệ tinh ở Trùng Khánh”.
Cơ sở của dự án có diện tích hơn 1,2 kilomet vuông, được xây dựng ở phía tây nam quận Vân Dương, tại trung tâm của khu vực đập Tam Hiệp.
Theo tuyên bố của BIT, dự án sẽ cho phép Trung Quốc duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ không gian sâu trong thời gian dài. Dự án sẽ cung cấp những hỗ trợ quan trọng cho hệ thống giám sát và phòng thủ tiểu hành tinh gần Trái đất do Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc sáng lập, cũng như các nghiên cứu khoa học hành tinh khác.
Dự án được chia thành 3 giai đoạn, giai đoạn 1 gồm 4 radar được kích hoạt vào tháng 12.2022 và đã tạo ra một bản đồ ba chiều đầu tiên trên thế giới. Về các radar đầu tiên, mỗi radar có khẩu độ 16 mét và đáp ứng được nhu cầu mà quốc gia hướng tới.
Giai đoạn 2 dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025, với 25 radar có khẩu độ 30 mét.
BIT cho biết: “Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, giai đoạn 3 sẽ tăng số lượng radar lên 100, cũng như mở rộng ranh giới khám phá không gian sâu của con người bằng radar”.
Dự án "Mắt thần" có phạm vi phát hiện vô song là 150 triệu kilomet, có khả năng quan sát và quét ảnh với độ chính xác cao về các tiểu hành tinh và thiên thể như mặt trăng, sao Kim, sao Hoả và sao Mộc.
Không giống như kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500 mét (FAST) của Trung Quốc - lớn nhất thuộc loại này trên thế giới - ở tỉnh Quý Châu, "Mắt thần" hoạt động giống như hệ thống sonar của dơi bằng cách phát ra sóng điện từ và nhận tiếng vang của chúng.
Các radar phát hiện không gian sâu, nhiều khẩu độ được kết hợp thành một ăng-ten lớn duy nhất trong quá trình hoạt động, theo cách tương tự như tầm nhìn tổng hợp của côn trùng.
Mặc dù khả năng của một radar duy nhất bị hạn chế, nhưng kết hợp giữa nhiều radar giúp có thể phát hiện ở phạm vi cực xa.
Kính viễn vọng FAST nhận tín hiệu vô tuyến từ các mục tiêu cách xa hàng nghìn năm ánh sáng, nhưng "Mắt thần" - hệ thống radar quét không gian sâu có độ phân giải cao - có thể ghi lại rõ nét các tiểu hành tinh đang tiến gần tới Trái đất mà không bị ánh sáng hoặc mây làm thay đổi trạng thái.
Hệ thống radar quét không gian sâu "Mắt thần" sẽ hoạt động giống như một camera giám sát, có thể phát hiện kịp thời và ngăn chặn các vật thể gây nguy hại tới các vệ tinh hay trạm vũ trụ.
Chương trình "Mắt thần" được đưa ra sau thông báo vào tháng 4.2022 của Trung Quốc về kế hoạch xây dựng một hệ thống giám sát và phòng thủ tiểu hành tinh gần Trái đất để đối phó với mối đe dọa từ các tiểu hành tinh tác động vào tàu vũ trụ, đồng thời góp phần bảo vệ sự an toàn của Trái đất và loài người.
Một hệ thống giám sát và cảnh báo trên mặt đất và trên không gian về các tiểu hành tinh sẽ được thiết lập, nhằm mục tiêu phân tích các tiểu hành tinh có khả năng gây ra mối đe dọa cho các hoạt động không gian của con người. Công nghệ và kỹ thuật sẽ được phát triển để loại bỏ những mối đe dọa này.