“Hệ thống dẫn nước mới được phát hiện kết nối một mạng lưới mương từng chảy qua trung tâm thành phố cổ” - Ma Yupeng - Giám đốc Bảo tàng Di tích triều đại nhà Thương ở Trịnh Châu, nói với Hoàn cầu Thời báo.
Phát hiện này được ca ngợi là hệ thống dẫn nước lớn nhất từ đầu thời nhà Thương từng được tìm thấy. Hệ thống bao gồm ba đoạn mương được phát hiện trong đống đổ nát của một thành phố nhà Thương ở Trịnh Châu.
Một trong những phần của hệ thống nước được xây dựng trên lòng sông tự nhiên, trong khi hai phần còn lại hoàn toàn do con người tạo ra. Những con mương được khai quật này trải dài khoảng 540 mét, chiều rộng tối đa khoảng 12 mét và độ sâu khoảng 4 mét tại điểm sâu nhất. Bên cạnh đó, tàn tích của xưởng đúc đồng và chế tạo đồ vật bằng xương cũng được phát hiện.
Yang Wensheng - Phó Giám đốc Viện Di sản Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Hà Nam - cho biết: “Dựa trên nghiên cứu của về vị trí không gian và di tích văn hóa được tìm thấy từ các con mương, chúng tôi tin rằng chúng có mối liên hệ với nhau và thuộc về một hệ thống nước lớn, điều này chứng tỏ sự hùng vĩ của kinh đô nhà Thương".
Địa điểm khảo cổ này có diện tích khoảng 25 km2, được nhiều người cho là kinh đô do Hoàng đế Đường - vị hoàng đế đầu tiên của nhà Thương - thành lập và đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của nền văn minh Thương, tập trung xung quanh lưu vực sông Hoàng Hà.
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy các kênh đào mở nhân tạo và các công trình bằng đá được thiết kế để dẫn nước ở một trong những con mương, cho thấy thành phố cổ này có hệ thống nước được thiết kế tốt.
Ngoài ra, việc kết nối từ mương đến ao vườn ở phía bắc thành phố cho thấy hệ thống dẫn nước này không chỉ phục vụ sản xuất và đời sống của thành phố mà còn góp phần tạo thẩm mỹ và cảnh quan của thành phố.
Yang Shugang, Phó Giám đốc Viện Di sản Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Hà Nam cho biết: “Việc phát hiện ra hệ thống dẫn nước này giúp nâng cao hiểu biết của chúng tôi về cách bố trí của thành phố cổ, có ý nghĩa rất lớn đối với việc nghiên cứu chuyên sâu về quy hoạch thành phố và phân chia khu chức năng ở kinh đô thời kỳ đầu nhà Thương”.
Sắp tới, các nhà khảo cổ sẽ nghiên cứu sâu hơn các khía cạnh khác nhau của hệ thống nước này, bao gồm nguồn gốc, thời gian sử dụng, thời gian bỏ hoang, phương pháp nạo vét và xây dựng, cũng như mối quan hệ phức tạp giữa mạng lưới nước nhân tạo và các hệ thống nước tự nhiên bên ngoài thành phố.
Yang Wensheng cho biết thêm: “Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào việc bảo tồn và trưng bày các di tích của hệ thống nước đã chọn, đặc biệt là các công trình dẫn nước được xây bằng đá tại vị trí ban đầu”.