Tránh các biện pháp chính sách quá mức
Tân Hoa Xã dẫn thông tin từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 28.11 cho hay, Trung Quốc ghi nhận 40.347 ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ, trong đó có 3.822 ca có triệu chứng và 36.525 ca không triệu chứng. Ủy ban và cơ quan quản lý quốc gia về kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh đã phối hợp cử các nhóm công tác để khắc phục một số vấn đề nảy sinh khi 20 biện pháp tối ưu hóa phòng chống COVID-19 đang được triển khai.
Theo ông Wang Liping, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, việc thực hiện các biện pháp đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả và chia sẻ thông tin giữa các nhà điều tra dịch tễ học, chuyển bệnh nhân dương tính và các nhóm xét nghiệm, đồng thời coi 24 giờ đầu tiên là cơ hội chính để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên, khi thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, hai xu hướng phân cực nhưng sai lầm đã xuất hiện - hoặc phong tỏa hoàn toàn hoặc "nằm yên", nghĩa là không có biện pháp phòng ngừa đại dịch nào. Ông Vương cho biết, nhóm cơ chế phòng ngừa và kiểm soát chung của Hội đồng Nhà nước đã thúc đẩy việc điều chỉnh nghiêm ngặt cách tiếp cận "một phương pháp cho tất cả" và các biện pháp chính sách quá mức.
Một số thành phố và tỉnh đã ban hành lệnh cấm các cơ quan quản lý địa phương áp đặt thêm các hạn chế đối với một số khu vực có rủi ro thấp. Ví dụ, giới chức Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, cho biết, lệnh "ở nhà" không có nghĩa là cư dân địa phương hoàn toàn không được ra ngoài. Cư dân được phép ra ngoài để khám chữa bệnh, cấp cứu, thoát nạn, cứu nạn.
Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, đã ban hành danh sách 16 điều "không nên làm", trong đó có việc không niêm phong và hàn cửa với những người bị cách ly tại nhà. Nếu cần phải có biện pháp kiểm soát thì phải xác định chính xác, không được tự ý mở rộng khu vực cách ly, kéo dài thời gian phong tỏa, không được chiếm dụng, chặn lối thoát nạn.
Tại quận Triều Dương của Bắc Kinh - quận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thủ đô trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát - các hạn chế đã được dỡ bỏ ở 75 khu vực có nguy cơ cao kể từ 8h ngày 27.11 để giảm tác động đến sinh kế của người dân ở mức tối đa. Những cách thức này phù hợp với 20 biện pháp được tối ưu hóa.
Hoàn cầu Thời báo dẫn lời chuyên gia Zhuang Shilihe ở Quảng Châu cho biết, việc đưa ra 20 biện pháp là để điều chỉnh các giao thức kiểm soát COVID-19 của Trung Quốc và mục đích ban đầu là tiết kiệm tài nguyên y tế. Tuy nhiên, khi thực hiện các biện pháp đó, một số chính quyền địa phương đã áp dụng các bước chính sách quá mức, làm tăng gánh nặng cho các nguồn lực y tế địa phương và người dân.
Để giải thích rõ hơn về 20 biện pháp nhằm tối ưu hóa ứng phó với dịch bệnh, Trung Quốc mới đây đã phác thảo 4 tài liệu kỹ thuật với các quy định chi tiết quản lý xét nghiệm axit nucleic, phân loại khu vực rủi ro, cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe tại nhà. Theo đó, chính quyền địa phương không triển khai xét nghiệm axit nucleic hàng loạt nếu chưa có dịch. Thay vào đó, họ nên tập trung chặt chẽ vào các quần thể chính.
Urumqi, thủ phủ Khu tự trị Tân Cương, sẽ dần dần nối lại các dịch vụ giao thông công cộng bao gồm đường sắt, hàng không dân dụng, xe buýt và taxi từ ngày 28.11. Một số thành phố khác ở Tân Cương đang dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19.
Bắc Kinh và một số thành phố ở Hà Nam và Khu tự trị Nội Mông đang thử nghiệm tự xét nghiệm axit nucleic. Việc lấy mẫu do cá nhân thực hiện tại nhà, cán bộ y tế có trách nhiệm hướng dẫn và nhận mẫu. Phương pháp mới được đánh giá là nhanh chóng, tiện lợi, tránh lãng phí thời gian và nguy cơ lây nhiễm chéo.
Mùa đông khắc nghiệt
Trung Quốc đang phải đối mặt với tình hình chống dịch phức tạp khi COVID-19 đang lan rộng ở nhiều khu vực bao gồm tỉnh Tứ Xuyên và Trùng Khánh ở tây nam, tỉnh Quảng Đông ở phía nam, thủ đô Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc ở phía bắc, cùng các tỉnh khác.
Yang Zhanqiu - Phó Khoa Sinh học mầm bệnh tại Đại học Vũ Hán - nhận định, khả năng có nhiều trường hợp mắc bệnh hơn trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra vì virus hoạt động mạnh hơn vào cuối mùa thu và đầu mùa đông. Khi virus bước vào thời kỳ hoạt động đồng nghĩa với việc rất khó loại bỏ hoặc ít nhất là sẽ mất nhiều thời gian hơn để loại bỏ.
Trước sự bùng phát trở lại của COVID-19, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc kêu gọi thúc đẩy việc tiêm chủng hàng loạt, đặc biệt là việc tiêm nhắc lại cho người cao tuổi. Các biện pháp này cũng thúc đẩy nghiên cứu và phát triển nhanh các loại vaccine và thuốc phổ rộng.