Tân Hoa Xã đưa tin, các chuyên gia Trung Quốc đã tới hồ chứa đập Tam Hiệp ở huyện Zhongxian, Trùng Khánh từ ngày 10.4.
Dự án Tam Hiệp là một hệ thống kiểm soát nước đa chức năng rộng lớn trên sông Dương Tử, tuyến đường thủy dài nhất Trung Quốc, với đập Tam Hiệp dài 2.309 mét và cao 185 mét.
Mực nước của hồ chứa đập Tam Hiệp dao động theo chu kỳ xả - trữ hàng năm từ 145m đến 175m tại đập.
Vùng dao động mực nước cũng gặp phải một số vấn đề về môi trường sinh thái, bao gồm xói mòn đất và ô nhiễm nguồn.
Các nhà nghiên cứu của Viện Môi trường và Rủi ro Miền núi thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) đã tiến hành các cuộc điều tra toàn diện về đất, thực vật, thủy văn, chất lượng nước và trầm tích trong khu vực.
Nghiên cứu của họ có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành tốt hơn chức năng của hồ chứa Tam Hiệp và sự an toàn của môi trường sinh thái địa phương.
Trước đó, Tân Hoa Xã cho hay, theo dự báo thời tiết của Trung tâm Khí hậu quốc gia Trung Quốc, miền bắc Trung Quốc sẽ đối mặt lũ lụt nghiêm trọng trong năm 2021. Từ tháng 6 đến tháng 8, mưa lớn sẽ trút xuống các khu vực bao gồm phần đông của vùng tây bắc Trung Quốc, Nội Mông và đông bắc Trung Quốc.
Phó Giám đốc Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc Jia Xiaolong cảnh báo lũ lụt lớn ở thượng lưu và trung lưu sông Hoàng Hà, các phần của lưu vực sông Hải Hà và lưu vực sông Tùng Hoa. Các phần phía đông của lưu vực sông Châu Giang ở miền nam Trung Quốc cũng được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng bởi những trận đại hồng thuỷ.
Trong mùa lũ lụt Trung Quốc năm 2020, đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới đã phải gánh đến 5 đỉnh lũ lớn. Đỉnh điểm là vào ngày 20.8, lưu lượng dòng chảy vào hồ chứa đập Tam Hiệp lên đến 75.000 mét khối/giây. Đập Tam Hiệp đã phải mở 11 cửa xả lũ với lưu lượng xả 49.400 mét khối/giây.