Khi các bức tượng bằng đất sét có kích thước bằng người thật được khai quật, hầu hết chúng đã bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại do các yếu tố tự nhiên như lũ lụt hoặc các hoạt động của con người.
Theo CGTN, trong gần nửa thế kỷ qua, các chuyên gia đã làm việc để khôi phục lại những bức tượng bằng đất sét có kích thước như người thật. Quá trình sửa chữa một bộ phận thường mất hàng tháng, hoặc thậm chí hàng năm để hoàn thành. Ông Lan Desheng đã dành 25 năm qua để khôi phục đội quân đất nung.
Trả lời phỏng vấn CGTN, ông Lan cho biết: "Đồ thủ công của nhà Tần rất hoàn hảo, có giá trị thẩm mỹ cao. Chúng tôi tuân theo nguyên tắc can thiệp tối thiểu và sử dụng vật liệu tương thích với di vật. Nếu không thể ghép chúng lại với nhau, chúng tôi sẽ tạm dừng cho đến khi có nhiều công nghệ tiên tiến hơn".
Các chuyên gia phục chế sử dụng kính hiển vi trường ảnh cực sâu để xem xét từng mảnh. Đôi khi, họ có thể xác định dấu vân tay và tên của những người thợ thủ công cổ đại, cũng như màu sắc ban đầu của đất sét. Sơn dễ bị rơi ra khi tiếp xúc với không khí do nhiệt độ và độ ẩm thay đổi đột ngột. Nhóm nghiên cứu đã phát triển kỹ thuật "gắn lại lớp sơn" để khôi phục lại màu sắc ban đầu.
"Các chất màu khác nhau được sử dụng để vẽ các chiến binh đất nung. Đầu tiên chúng được sơn mài và sau đó được phủ ba lớp bột màu để mang lại vẻ ngoài như thật. Nếu còn bất kỳ sắc tố nào trên đất sét, chúng tôi chiết xuất chúng và sau đó cẩn thận áp dụng lại công nghệ hiện đại” - ông Lan giải thích.
Nhóm nghiên cứu đã lập một xưởng phục hồi ở gần địa điểm khai quật đội quân đất nung. Có khoảng 8.000 tượng binh mã đã được khai quật kể từ khi công việc khảo cổ bắt đầu vào những năm 1970, song chưa đến 1/4 trong số chúng đã được sửa chữa.
Bất cứ khi nào một chiến binh đất nung được khai quật, ông Lan và nhóm của mình sẽ đến hiện trường để kiểm tra.
"Chúng tôi chụp ảnh tất cả các mảnh vỡ và xem xét kỹ lưỡng để tìm ra những phần còn thiếu. Khi công việc khai quật vẫn tiếp tục, chúng tôi không thể đảm bảo rằng chúng tôi sẽ tìm thấy những phần bị mất trong vòng hai hoặc ba năm. Nhưng chúng tôi hy vọng sẽ khôi phục và phục hồi chúng" - ông Lan nói.
Mỗi ngày, hàng nghìn người đến thăm Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Theo sách sử, việc xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng bắt đầu năm 246 trước Công nguyên và sử dụng đến 700.000 nhân công và thợ thủ công trong 38 năm. Hoàng đế Tần Thủy Hoàng được chôn trong quan tài cùng với nhiều ngọc ngà châu báu, nhiều tác phẩm thủ công và một mô hình vũ trụ hoàn chỉnh được khảm ngọc.
"Đội quân đất nung là một phần của Lăng mộ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Đó là biểu tượng tinh thần của nền văn minh Trung Hoa và phản ánh trí tuệ, kỹ năng tuyệt vời của các nghệ nhân cổ đại. Tôi hy vọng rằng, bằng cách khôi phục chúng, chúng tôi có thể khám phá sự thật lịch sử, cũng như hồi sinh văn hoá và nền văn minh của vương triều nhà Tần" - ông Lan nói.
Trong 25 năm sự nghiệp của mình, ông Lan đã giúp khôi phục hơn 150 tượng binh mã đất nung. Khi càng nhiều bức tượng được các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện, nhiệm vụ càng trở nên khó khăn hơn đối với một đội khoảng 40 người.
"Cần có nhiều người phục hồi hơn, đặc biệt là những người trẻ tuổi có một số kỹ năng nhất định. Tôi muốn chia sẻ với họ những gì tôi đã học được - rằng phải nỗ lực bền bỉ và chịu đựng sự cô đơn. Điều quan trọng là phải siêng năng và làm việc một cách thực tế để có thể góp phần bảo vệ các di tích văn hóa" - ông nói.
Ông Lan mô tả mối quan hệ của mình với các đồ tạo tác bằng đất sét là mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân. Ông cho biết đội quân đất nung giúp ông trưởng thành và đồng hành cùng ông trong suốt sự nghiệp, và hiện tại, ông đang trả lại cho họ vóc dáng và sức khỏe tốt.