Ngày 5.4, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất lệnh cấm theo từng giai đoạn đối với lượng than nhập khẩu của Nga trị giá 4 tỉ euro (4,3 tỉ USD) mỗi năm như một phần của vòng trừng phạt thứ năm. Dự kiến sẽ có thêm thông tin chi tiết về vòng trừng phạt mới, bao gồm cả thời gian thực hiện lệnh cấm đối với than đá sau cuộc họp ngày 6.4 của EU. Các biện pháp vẫn cần sự chấp thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu.
Việc cấm nhập khẩu than đá của Nga sẽ khiến một số quốc gia Châu Âu bị ảnh hưởng, nhưng đây là một trong những nguồn năng lượng dễ loại bỏ nhất - phần lớn thế giới đã và đang làm điều đó. Câu hỏi phức tạp hơn là: Điều gì xảy ra tiếp theo?
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga là nước xuất khẩu than lớn thứ ba thế giới vào năm 2020, sau Australia, Indonesia và Châu Âu là khách hàng lớn nhất của Nga cho đến nay. Dữ liệu của IEA cho thấy Châu Âu nhập 57 triệu tấn than đá của Nga trong năm đó, so với 31 triệu tấn của Trung Quốc. Theo Eurostat, con số này lên tới hơn một nửa lượng than của Châu Âu trong năm 2020. Nhưng EU đã quay lưng với nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất thế giới. Theo phân tích của tổ chức tư vấn năng lượng Ember, lượng điện sản xuất từ than đã giảm đều đặn trong toàn khối trong những năm gần đây, giảm 29% trong giai đoạn 2017-2019. Bất chấp một đợt tăng ngắn vào năm ngoái khi giá khí đốt đạt mức cao kỷ lục, IEA dự đoán rằng nhu cầu than của Châu Âu sẽ tiếp tục giảm ổn định. Tổng nhập khẩu dự kiến sẽ giảm 6% vào năm 2024 ngay cả trước khi Nga tấn công Ukraina.
Lệnh cấm của EU tác động gì đến giá than?
Tình trạng khan hiếm nguồn cung - ngay cả khi đang trong giai đoạn đầu - có thể gây đau đầu cho các quốc gia vẫn sử dụng than để sản xuất phần lớn điện, bao gồm cả Ba Lan và Đức.
Theo phân tích của IEA, nguồn cung giảm cùng với nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc đã đẩy giá than toàn cầu lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 10.2021 - trước khi giảm trở lại. Tuy nhiên, giá than tăng cao có thể tái diễn với lệnh cấm của EU. Dữ liệu từ Independent Commodity Intelligence Services cho thấy, hợp đồng than tương lai Rotterdam đóng cửa ở mức 257 USD/tấn hôm 4.4, nhưng đã tăng lên mức 295 USD trong phiên giao dịch ngày 5.4.
Matthew Jones, nhà phân tích hàng đầu về điện và carbon của EU tại ICIS, nói với CNN rằng lệnh cấm than sẽ "khiến tình hình nguồn cung vốn đã eo hẹp của Châu Âu trở nên khan hiếm hơn và sẽ dẫn đến tranh giành để tìm nguồn than thay thế". Mặc dù vậy, Henning Gloystein - Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group - cho rằng, các quốc gia EU có thể chịu được cú sốc, mặc dù việc cấm nhập khẩu than từ Nga cũng sẽ khiến cuộc sống ở Châu Âu - vốn tiêu thụ rất nhiều than của Nga - trở nên khó khăn hơn nhiều.
EU chưa thể cấm ngay khí đốt và dầu mỏ của Nga
Trong vòng trừng phạt mới nhất của EU, đáng chú ý là không có dầu mỏ và khí đốt. EU nhập khẩu 26% dầu thô và 46% khí đốt từ Nga vào năm 2020, theo Eurostat. Cao uỷ EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell thông báo rằng việc áp dụng lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập khẩu khí đốt của Nga đã bị loại trừ vì khối sẽ không thể thông qua một cuộc bỏ phiếu đồng thuận do quan điểm của Hungary. “Một quyết định đồng thuận không thể được đưa ra bởi vì có một quốc gia, Hungary, tuyên bố sẽ phủ quyết” - ông Borrell nói trong một cuộc phỏng vấn với đài COPE của Tây Ban Nha. Thủ tướng Hungary Viktor Orban - người vừa tái đắc cử - cho biết, khí đốt của Nga là lựa chọn duy nhất của Budapest vì nước này không có biển nên sẽ không thể trực tiếp nhận khí đốt hóa lỏng từ Mỹ.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tuyên bố chính phủ của ông sẽ tiếp tục mua khí đốt tự nhiên và dầu trị giá hàng tỉ USD từ Nga mỗi tuần trong tương lai gần để giữ cho các công ty và nhà máy sản xuất ôtô hoạt động hết công suất. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng, EU chưa thể dừng nhập khẩu khí đốt Nga vì động thái này sẽ gây tổn hại không chỉ cho riêng Mátxcơva, mà sẽ tự gây tổn hại cho chính EU nhiều hơn.
Cao ủy EU Josep Borell nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước EU trở nên ít phụ thuộc hơn vào năng lượng của Nga, cho rằng việc mua khí đốt từ Nga là “tài trợ cho chiến tranh”. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng không thể cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong một sớm một chiều. Mặc dù vậy, ông Borrell nhấn mạnh, EU phải giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga càng nhanh càng tốt và đề xuất bắt đầu với dầu mỏ, vì dễ dàng hơn. Mátxcơva hiện cung cấp cho EU khoảng 1/3 lượng dầu.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, trong một tuyên bố hôm 5.4 rằng khối đang "làm việc về các biện pháp trừng phạt bổ sung, bao gồm cả nhập khẩu dầu của Nga".
Hiện tại, Mỹ đã khai thác nguồn dự trữ dầu chiến lược của mình, tung ra thị trường toàn cầu 180 triệu thùng trong 6 tháng, để giúp hạ giá xăng và đối phó việc giảm nguồn cung dầu của Nga. IEA cũng đồng ý xả thêm dầu dự trữ từ các nước thành viên.