AFP đưa tin, Chính phủ Colombia vừa công bố một cuộc thám hiểm để trục vớt những món đồ có giá trị khổng lồ khỏi xác con tàu huyền thoại San Jose, bị chìm vào năm 1708 khi chở đầy vàng, bạc và ngọc lục bảo, ước tính trị giá 20 tỉ USD.
Bộ trưởng Văn hóa Juan David Correa cho biết, 7 năm sau khi phát hiện xác tàu ngoài khơi bờ biển Colombia, một robot dưới nước sẽ được điều đến để trục vớt một phần kho báu.
Từ tháng 4 đến tháng 5, robot sẽ lấy các vật phẩm từ bên ngoài tàu trước để xem có thể trục vớt phần còn lại của kho báu thế nào.
Hoạt động này sẽ tiêu tốn hơn 4,5 triệu USD và robot sẽ hoạt động ở độ sâu 600m để trục vớt các đồ như gốm sứ, mảnh gỗ và vỏ sò mà “mà không thay đổi hoặc làm hỏng xác tàu” - ông Correa cho biết.
Thuyền trưởng Alexandra Chadid, một nhà nghiên cứu hải quân nói rằng, sau 3 thế kỷ chìm dưới nước, hầu hết các vật dụng trên tàu đã trải qua những thay đổi vật lý, hóa học và có thể bị phân hủy khi kéo lên khỏi mặt nước.
Địa điểm của cuộc thám hiểm đang được giữ bí mật để bảo vệ thứ được coi là một trong những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất trong lịch sử khỏi những kẻ săn kho báu khét tiếng.
Con tàu San Jose thuộc quyền sở hữu của hoàng gia Tây Ban Nha khi nó bị hải quân Anh đánh chìm gần Cartagena vào năm 1708. Chỉ một số ít trong số 600 thủy thủ đoàn của tàu sống sót.
Con tàu lúc đó đang quay trở lại từ Tân Thế giới để đến triều đình của Vua Tây Ban Nha Philip V, chất đầy đồ châu báu như rương ngọc lục bảo và khoảng 200 tấn tiền vàng.
Trước khi Colombia công bố phát hiện này vào năm 2015, con tàu đã được các nhà thám hiểm săn lùng từ lâu.
Việc phát hiện ra tàu đắm đã gây ra một cuộc tranh cãi xem ai sẽ là người nắm giữ kho báu đó.
Tây Ban Nha nhấn mạnh rằng kho báu là của nước này vì nó nằm trên một con tàu của Tây Ban Nha, trong khi bộ tộc Qhara Qhara của Bolivia nói họ mới là bên xứng đáng có được kho báu bởi người Tây Ban Nha từng buộc người dân bản địa khai thác kim loại quý này.
Chính phủ Colombia của Tổng thống cánh tả Gustavo Petro, nắm quyền từ năm 2022, muốn sử dụng nguồn lực của chính đất nước để trục vớt xác tàu và đảm bảo nó vẫn ở Colombia.
Đại sứ Tây Ban Nha tại Colombia Joaquin de Aristegui cho biết đã đề nghị Colombia về một “thỏa thuận song phương” nhằm bảo vệ xác tàu.
Người dân bản địa Bolivia bày tỏ sẵn sàng hợp tác với chính phủ Colombia và hiện chỉ yêu cầu trả lại một số mảnh vỡ của con tàu.
Người đứng đầu bộ tộc Qhara Qhara, ông Samuel Flores cho biết: “Đây không chỉ về vấn đề mang tính biểu tượng mà còn về tinh thần. Chúng tôi chỉ mong tổ tiên chúng tôi được bình yên”.
Trong khi đó, Colombia vẫn đang trong vụ kiện tại Tòa án Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc với công ty trục vớt Sea Search Armada có trụ sở tại Mỹ - công ty tuyên bố đã tìm thấy xác tàu đầu tiên hơn 40 năm trước.
Công ty đang đòi 10 tỉ USD, một nửa giá trị ước tính của xác tàu hiện nay.