Tổng thống Nga và Ukraina đang chuẩn bị tổ chức hội nghị tại Paris trong nỗ lực khôi phục tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột ly khai kéo dài 5 năm ở miền đông Ukraina.
Những nỗ lực này dường như đã bị ngưng trệ khi các lực lượng Kiev và phe ly khai cho tới nay đều thất bại trong việc rút quân khỏi tiền tuyến.
"Nếu không thu quân sẽ không có hội nghị thượng đỉnh Normandy" - ông Zelensky chia sẻ với báo giới, đề cập tới đàm phán với ông Putin do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì và có sự tham gia của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Tuy nhiên, sau đó, trả lời câu hỏi của AFP, ông Zelensky cho biết vẫn hi vọng cuộc đàm phán này sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Theo ông, thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ được công bố sớm nhất là trong tuần tới.
Phát biểu trong cuộc họp báo lớn đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5 năm nay, chính trị gia 41 tuổi nói rằng Nga nên hỗ trợ rút các binh sĩ lực lượng ly khai Ukraina.
"Họ nên đóng vai trò là bên bảo lãnh - họ là một bên trong tiến trình Minsk" - ông Zelensky phát biểu trong sự kiện kéo dài hơn 12 giờ tại chợ thực phẩm Kyiv.
Trong thời gian sắp tới cuộc gặp thượng đỉnh theo kế hoạch, các nhà đàm phán Nga, Ukraina và phe ly khai Ukraina đã nhất trí một lộ trình dự kiến về tình trạng đặc biệt cho những khu vực lãnh thổ ly khai nếu họ tiến hành các cuộc bầu cửu tự do và công bằng theo hiến pháp Ukraina.
Tuy nhiên, kế hoạch này làm dấy lên sự phẫn nộ ở Ukraina, với những nhà chỉ trích cho rằng đề xuất này "thiên vị" Nga. Hồi cuối tuần qua, khoảng 10.000 người, trong đó có người tiền nhiệm của ông Zelensky - cựu Tổng thống Petro Poroshenko, đã tham gia biểu tình ở Kiev phản đối kế hoạch hòa bình của chính phủ Tổng thống Zelensky.
Ông Zelenky cam kết sẽ không phản bội lại những lợi ích của Ukraina và nhấn mạnh lại trong ngày 10.10 rằng Kiev nên kiểm soát biên giới phía đông của nước này với Nga.
Tại Mátxcơva, cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của ông Vladimir Putin - ông Yury Ushakov cáo buộc "nhiều lực lượng" ở Ukraina đang cố gắng phá hoại tiến trình hòa bình.
"Theo một cái cớ gượng gạo, phía Ukraina đã không bắt đầu một cuộc rút quân" - ông chia sẻ với báo giới.
Ukraina đã trải qua 2 cuộc nổi dậy trong hai thập kỷ và xung đột với phe ly khai kể từ năm 2014. Cuộc xung đột - cuộc khủng hoảng Đông-Tây tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh - nổ ra sau khi Nga sáp nhập Crimea tháng 3.2014 và cướp đi sinh mạng của khoảng 13.000 người.